Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ: Gặp khó vì thiếu nguyên liệu

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số hơn 100 nghề truyền thống của cả nước, có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Với kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD/ năm, nhu cầu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cho nhóm ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) là rất cấp bách...

Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu ở làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hải Linh
Thiếu nguyên liệu, khó đáp ứng đơn hàng lớn

Theo báo cáo từ các quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu từ 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội tính đến hết tháng 9 năm 2018 đạt 154 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo số liệu báo cáo của phòng kinh tế các huyện, thị xã của TP Hà Nội, toàn TP có gần 5.000 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất hoạt động trong 11 làng nghề truyền thống sơn mài, khảm trai được công nhận; bình quân mỗi hộ sản xuất tiêu thụ khoảng 1,5 tấn nguyên liệu/tháng (gồm các loại như tre, gỗ, gốm sứ, sơn, vỏ trai, ốc...). Tổng nhu cầu nguyên vật liệu nhóm ngành sơn mài, khảm trai khoảng 90.000 tấn/năm.

Còn đối với nhóm ngành mây tre đan, guột, tế, trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.700 tấn nguyên liệu các loại (mây, tre, luồng, nứa, vầu, bèo, cỏ tế, chít...); trong đó trung bình một DN tiêu thụ khoảng 40 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 15 tấn nguyên liệu/tháng.

Nhóm ngành nghề gốm sứ mặc dù chỉ có 5 làng nghề sản xuất với hơn 4.000 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể nhưng sức tiêu thụ rất lớn vào khoảng gần 600.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Bình quân mỗi DN tiêu thụ 12 tấn/tháng chủ yếu là đất sét và cao lanh.
“Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là cơ hội để các DN, cơ sở sản xuất của các tỉnh, TP khu vực phía Bắc có cơ hội tìm kiếm đơn vị bao tiêu sản phẩm, mở rộng sản xuất, gia công bán thành phẩm, thành phẩm ngành TCMN, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho lao động các vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng
Tương tự, đối với nhóm ngành mộc, nhu cầu gỗ nguyên liệu cũng rất lớn như: Làng nghề Hữu Bằng (Thạch Thất) khoảng 160.000 m³/năm; làng nghề mộc mỹ nghệ Vân Hà (huyện Đông Anh) khoảng hơn 100.000 m³/năm; làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng) 145.000 m³/năm. Tổng nhu cầu về nguyên liệu gỗ của các làng nghề Hà Nội ước đạt trên 1.000.000 m³/năm.

Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Chẳng hạn, nguồn cung nguyên liệu ngành gốm sứ chủ yếu từ các tỉnh có nguồn cao lanh có chất lượng như Hải Dương, Quảng Ninh, Phú Thọ... Đối với nguyên liệu gỗ đa phần nhập khẩu là chính.

Tuy nhiên, theo các DN sản xuất hàng TCMN Hà Nội thì nguồn cung nguyên liệu đầu vào trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu. Điều này đã phần nào tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là khi triển khai những đơn hàng lớn. Nhiều DN, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, không chỉ làm giảm doanh thu, thu nhập người lao động mà còn làm giảm lòng tin, uy tín của DN đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Thúc đẩy kết nối cung – cầu

Nhằm giúp các DN làng nghề TCMN Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đồng thời giúp các DN, cơ sở sản xuất các tỉnh, TP khu vực phía Bắc tiêu thụ bán thành phẩm, thành phẩm ổn định, lâu dài, có chất lượng, Sở Công Thương Hà Nội mới đây đã chủ trì phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh, TP khu vực phía Bắc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành TCMN giữa DN Hà Nội và các tỉnh, TP khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị, nhiều DN đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, khoa học, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng để DN ổn định sản xuất.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, thông qua Hội nghị này, các DN Hà Nội và các tỉnh, TP sẽ có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, gia công bán thành phẩm, thành phẩm một cách ổn định, lâu dài, có chất lượng, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm TCMN có giá trị cao.