Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu thủy sản đạt 1,6 tỷ USD trong 4 tháng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 4 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

KTĐT - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 4 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng các doanh nghiệp hầu hết không có lãi do chi phí đầu vào quá cao, bên cạnh đó là hàng loạt những khó khăn khác như thiếu nguyên liệu, giá bán sản phẩm thủy sản không theo kịp...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn kỳ vọng cán đích 5,3 tỷ USD trong năm 2011.

Còn nhiều khó khăn

Đối mặt với khá nhiều rào cản, song xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm vẫn đang đà tăng trưởng. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn, điển hình như Mỹ tăng 39%, Đức tăng 32%. Thị trường Canada cũng tăng lượng thủy sản nhập khẩu gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài cá tra, mặt hàng tôm còn giữ vững lượng hàng xuất khẩu tại thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Mặc dù, đạt kết quả khả quan, song theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) vẫn còn nhiều áp lực cho các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Trước tiên, hàng thủy sản phải đối mặt với hàng loạt các rào cản do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đã đưa cá tra vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản lưu hành tại 6 nước châu Âu.

Không những thế, thời gian qua, hầu hết kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng các doanh nghiệp sản xuất lại không có lãi. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào quá cao, trong đó cá tra nguyên liệu nhảy vọt lên 27.000-28.000 đồng/kg, cộng với lãi suất ngân hàng, điện, xăng dầu, bao bì… đều tăng trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ nên kinh doanh không có hiệu quả.

Các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng khiến các doanh nghiệp bị động, hiện nhiều nhà máy thủy sản chỉ hoạt động khoảng 40-50% công suất.

Khảo sát mới đây cho thấy nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi lớn đã mở rộng diện tích nuôi cá tra trở lại. Tuy nhiên, giá thức ăn cứ “phi mã,” cộng lãi suất ngân hàng từ 20-22% nhưng hạn chế cho vay khiến việc phát triển vùng nguyên liệu chưa được như mong muốn. Các mặt hàng khai thác từ biển như mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu... cũng đang thiếu trầm trọng.

Ngoài lý do giá xăng dầu tăng đẩy chi phí một chuyến đi biển tăng thêm 20% còn có nguyên nhân khác là một số thương lái mua hàng từ các tàu cá rồi bán lại cho các tàu cá Trung Quốc.

“Hiện các tàu cá của ngư dân khi vào đến bến là được một số thương lái mua và bán lại cho các tàu hàng chở về Trung Quốc. Thường thì giá mua của thương lái cao hơn vì không phải trả thuế xuất nhập khẩu thủy sản, thuế kinh doanh. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản trong nước,” một doanh nghiệp ở Quảng Ninh cho biết.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết, thực tế người dân vẫn tha thiết với nghề cá, nhưng vẫn phập phồng bởi giá cả chưa ổn định và thiếu vốn đầu tư.

Từ giữa quý 2 trở đi sản lượng cá tra sẽ khá hơn, chủ yếu do các nhà máy phát triển. Hiện, giá cá tra nguyên liệu vẫn được duy trì ở mức cao (từ 25.000 đến 28.000 đồng/kg), với mức giá này người nuôi có thể lãi từ 3.000-4.000 đồng/kg.

Cần các giải pháp tích cực

Tuy gặp nhiều trở ngại, song VASEP vẫn kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 vẫn cán đích 5,3 tỷ USD, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra.

Về thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU đang giữ vững nhu cầu tiêu thụ, thủy sản Việt Nam hiện mở rộng thị trường sang các nước có tiềm năng lớn là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời liên quan đến việc làm của rất nhiều nông dân. Do đó, mục tiêu chính trong lúc này là không đặt nặng lợi nhuận bởi tất cả đều khó khăn. Vấn đề là làm sao tăng cường sản xuất, xuất khẩu để góp phần ổn định an sinh xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu, VASEP yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển vùng nuôi để tăng nguồn nguyên liệu trong thời gian tới. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết người nuôi với nhau và người nuôi với doanh nghiệp đã và đang gắn kết để hình thành những vùng chuyên canh tôm tập trung quy mô lớn, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu quanh năm.

Ông cũng cho biết từ nay đến năm 2015 sẽ không xây thêm nhà máy mới, mà tập trung thay đổi trang thiết bị hiện đại, vừa tiết giảm nhiên liệu - vừa tăng công suất chế biến.

Cũng theo VASEP, sản phẩm thủy sản xuất khẩu cần được thống nhất về tên gọi và ghi nhãn. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về việc sử dụng các loại hóa chất trong quá trình chăn nuôi và chế biến.

Riêng đối với giải pháp tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại cá tra, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép thành lập “Quỹ phát triển xuất khẩu cá tra Việt Nam” với mức đóng góp vào quỹ đề xuất là 10 USD/tấn cá xuất khẩu để giành cho việc chi phí quảng bá, tiếp thị sản phẩm và xúc tiến thương mại.

VASEP cũng kiến nghị bộ này siết chặt quy hoạch nuôi cá và ổn định sản lượng cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn; quy hoạch sản xuất con giống tốt phục vụ nhu cầu nuôi với mức giá ổn định.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đồng loạt vào vụ tôm mới. Mặc dù một số nơi xảy ra dịch bệnh làm tôm chết, nhưng các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và hỗ trợ kỹ thuật để người dân phát triển lại diện tích.

Các địa phương cũng chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi chặt diễn biến thời tiết để hỗ trợ người nuôi đạt hiệu quả cao, đồng thời khuyến khích khai thác nhằm tăng nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu trong thời gian tới. Nhiều địa phương khác, các ngành chức năng đang triển khai các mô hình nuôi tôm bền vững, theo hướng tăng năng suất và chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương cho biết, bên cạnh những giải pháp trên, để thoát khỏi tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra trầm trọng như hiện nay, doanh nghiệp nên tự nuôi cá, tiến tới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu; đồng thời, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình sản xuất để hạ giá thành sản phẩm./.