Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng Tư năm nay ước đạt 464 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu bốn tháng đầu năm đạt trên 1,7 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhu cầu nhập khẩu tại 3 thị trường chính sụt giảm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm 4,2%; Nhật Bản giảm 6,3% và Hàn Quốc giảm 24,5%. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan tăng trưởng mạnh với mức tăng lần lượt đạt 50,2% và 23,7% so với quý 1/2012.
Chế biến thỷ sản xuất khẩu. (Ảnh Phương Vy/TTXVN)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm là nguồn nguyên liệu của một số mặt hàng thủy sản không ổn định như sản lượng cá tra bốn tháng ước đạt 280.000 tấn, giảm khoảng 20% so với năm 2012. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương, sản lượng cá tra đều giảm như Bến Tre ước đạt 38.000 tấn, giảm 34,5%; Vĩnh Long ước đạt 42.100 tấn, giảm 15,3%; Cần Thơ ước đạt 20.000 tấn, giảm 23,4%. Duy nhất chỉ có tỉnh Đồng Tháp sản lượng tăng 14%, ước đạt 90.200 tấn. Không những thế, diện tích nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại khá lớn, khoảng 65.000ha. Trong khi đó, các quy định về kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc đang là rào cản khiến cho cánh cửa vào thị trường này bị thu hẹp. Cá tra và tôm còn bị áp lực bởi kết quả xem xét hành chính lần thứ 8 thuế chống bán phá giá của Mỹ. Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng vấn đề cần nhất hiện nay là các doanh nghiệp thủy sản đặc biệt chú ý đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động xuất khảu thủy sản. Lượng có thể giảm, nhưng chất phải tăng - là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp hội nhập. Bên cạnh đó, ngành cũng tìm mọi biện pháp giảm các chi phí gián tiếp và chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp thủy sản trong điều kiện chi phí đầu vào, vận chuyển đều tăng cao…/.