Từ tháng khởi đầu, có thể nhận diện nhiều kết quả tích cực, những tín hiệu khả quan, cũng như các hạn chế, bất cập và cảnh báo cần thiết về xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực tăng cao
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (71% so với 69,1%) và tăng 8,6% - chứng tỏ khu vực này ít bị ảnh hưởng của tình trạng “đầu năm đủng đỉnh”. Mới qua một tháng đã có 22 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, là tín hiệu khả quan để cả năm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại 2,33 tỷ USD, dệt may 2,16 tỷ USD, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,5 tỷ USD, giày dép 1,17 tỷ USD. Đây cũng là những mặt hàng có thể nằm trong nhóm hơn 10 tỷ USD trong “câu lạc bộ”. Giá xuất khẩu của một số mặt hàng tăng khá (như dầu thô 69,1%, than đá 122,1%, cao su 70,5%, xăng dầu 43,5%, cà phê 30,2%, hạt điều 21,1%...).
Cũng mới qua một tháng đã có 21 địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD. Trong đó có 5 địa phương đạt trên 1 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh 2,74 tỷ USD, Bình Dương 1,63 tỷ USD, Thái Nguyên 1,53 tỷ USD, Bắc Ninh 1,43 tỷ USD, Đồng Nai 1,21 tỷ USD). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm các địa bàn này nằm trong nhóm có kim ngạch đạt trên 10 tỷ USD. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 844 triệu USD.
Cũng mới qua một tháng, đã có 27 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Trong đó có 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Hoa Kỳ 3,02 tỷ USD, Trung Quốc 1,81 tỷ USD, Nhật Bản 1,25 tỷ USD, Hàn Quốc 1,01 tỷ USD). Đây đều là những thị trường nằm trong mục tiêu có mức kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD của Việt Nam .
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 cũng ghi nhận mức tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước (hay tăng 495 triệu USD). Điều đó chứng tỏ nhu cầu đầu tư, tiêu dùng ở trong nước đã có sự cải thiện ngay từ tháng đầu. Một số mặt hàng giá nhập khẩu tiếp tục giảm (như lúa mì, phân bón). Do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế xuất siêu (sau 4 tháng nhập siêu). Mức xuất siêu khá lớn (8%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch (3,5% xuất khẩu, với mức nhập siêu từ 6,4 - 6,8 tỷ USD), góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...
Và những thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực và những tín hiệu khả quan, diễn biến xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu tháng 1 cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm (0,7%); Tỷ trọng của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã giảm (từ 30,9% xuống còn 29%).
Một số mặt hàng kim ngạch giảm tương đối sâu (như thủy sản, hạt điều, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, thức ăn gia súc và nguyên liệu, quặng và khoáng sản khác, Clanke và xi măng, sản phẩm mây tre cói thảm, sản phẩm gỗ, vải kỹ thuật khác, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh... Giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm (như hạt tiêu, chè, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, quặng và khoáng sản khác, phân bón các loại...).
Số thị trường xuất khẩu bị giảm nhiều, trong đó có một số thị trường mức xuất khẩu giảm tương đối lớn (như Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia , Đức, Anh...). Một số thị trường tăng thấp (Hoa Kỳ và một số thị trường lớn khác). Trong khi đó, giá nhập khẩu một số mặt hàng đã tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu các loại, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, bông, xơ sợi dệt, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại… Giá nhập khẩu tăng sẽ tác động đến lạm phát ở trong nước hoặc lượng nhập khẩu phải giảm.
Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước tháng 1 năm nay so với cùng kỳ tăng cả về kim ngạch tuyệt đối (từ 1.175 triệu USD lên 1.356 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (từ 28,1% lên 32,6%). Nhập siêu đối với một số thị trường còn lớn (Trung Quốc 2.135 triệu USD, Hàn Quốc 1.714 triệu USD, Đài Loan (Trung Quốc) 585 triệu USD, Thái Lan 200 triệu USD, Achentina 143 triệu USD, Singapore 106 triệu USD,...). Đây là những thách thức không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu trong năm 2017 rất cần được cảnh báo.