Ngày 27/8, Bộ NN&PTNT tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả công tác tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020.
Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 46 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 26,1 tỷ USD, giảm 0,9%, nhập khẩu ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, xuất siêu các mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn đạt 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%. Riêng lâm sản chính đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10,3%. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 16 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ NN&PTNT nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sẽ có những tác động lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2020 là thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, đặc biệt là tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Từ đó, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi lợn, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai giải pháp phát triển thị trường, tăng nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn, tăng đàn. Kiểm soát, ổn định và giảm giá thịt lợn. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản bền vững.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục theo dõi thường xuyên biến động giá cả, tình hình cung cầu một số mặt hàng nông sản thiết yếu (tập trung vào mặt hàng thịt lợn, lúa gạo, rau quả).
Cùng với đó là diễn biến biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đối chiếu với các kịch bản về nguồn cung thực phẩm, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, nhằm bảo đảm ổn định thị trường tiêu dùng trong nước hài hòa với mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020.