Xung đột tại miền Đông Ukraine đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Minsk hồi tháng 9/2014. Chỉ trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 7 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, 6 dân thường và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc giao tranh.
Xung đột leo thang đã khiến chính quyền Kiev quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp ở 2 khu vực Lugansk và Donetsk, đồng thời ban bố tình trạng báo động cao trên cả nước. Trong khi đó, Nga và phương Tây lại tiếp tục có những phản ứng khác nhau liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phát biểu sau cuộc họp nội các vào hôm qua (26/1), Thủ tướng Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk cho biết, theo luật Bảo vệ công dân Ukraine, chính phủ Kiev đã thông qua quyết định áp đặt trình trạng khẩn cấp cấp nhà nước. Cụ thể, thực thi chế độ tình trạng khẩn cấp tại hai tỉnh Donetsk, Lugansk và ban bố tình trạng báo động cao trên cả nước. Ngoài ra, Ukraine cũng tuyên bố thành lập Ủy ban Tình trạng khẩn cấp khu vực.
Lính Ukraine gác ở miền đông Ukraine (ảnh: RT)
|
Ông Yatsenyuk nói: “Một cuộc họp với sự tham gia của các bộ trưởng trong nội các Ukraine vừa mới được tổ chức và đưa ra quyết định thiết lập tình trạng báo động cấp chính phủ. Chính phủ Ukraine đã quyết định triển khai tình trạng báo động tại khu vực vùng Donetsk và Lugansk.”
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine diễn biến phức tạp. Khu vực có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến toàn diện bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên xung đột đã ký kết hồi tháng 9/2014 tại Minsk (Belarus).
Trong khi đó, Hội đồng thành phố Donetsk cho biết các vụ pháo kích của quân đội chính phủ vào ngày hôm qua tại thành phố này đã khiến ít nhất sáu người đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương. Đạn pháo cũng đã rơi trúng một trạm điện tại khu hầm mỏ Zasyadko, thuộc Donetsk, khiến khoảng 500 thợ mỏ làm việc tại mỏ than này bị mắc kẹt dưới lòng đất. Để đáp trả các cuộc pháo kích của chính quyền Kiev, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, ông Aleksandr Zakharchenko đã tuyên bố cần tiếp tục các cuộc tấn công tại khu vực để thành phố này không bị quân chính phủ bắn phá.
Ngoài ra, theo ông Eduard Basurin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk, thỏa thuận ngừng bắn mà phe đối lập ký kết với phía chính quyền Kiev vào tháng 9/2014 đã vô hiệu lực: "Thỏa thuận Minsk đã bị đình chỉ. Có thể một thỏa thuận khác tại thành phố Minsk, nhưng sẽ là cuộc đàm phán khác trong những điều kiện khác."
Trước tình hình chiến sự bùng phát ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là vụ nã pháo vào khu dân cư thành phố Mariupol làm 30 người chết và hơn 100 người bị thương, một cuộc họp khẩn cấp giữa NATO – Ukraine đã được triệu tập vào ngày hôm qua theo yêu cầu của phía Kiev.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp bất thường của Hội đồng NATO - Ukraine tối 26/1 ở Brussels, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cho rằng, hiện không có giải pháp quân sự cho xung đột tại Ukraine và kêu gọi các bên tham chiến hãy làm hết sức mình để giải quyết tình hình theo thỏa thuận Minsk.
Người đứng đầu NATO cũng cáo buộc trách nhiệm của phe đối lập khiến xung đột trở nên trầm trọng hơn tại vùng Donbass. Ông lên án bạo lực leo thang do phe đối lập gây ra trên ranh giới ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande để thảo luận về tình hình Ukraine. Trong các cuộc điện đàm, ông Putin cáo buộc tình trạng bạo lực gia tăng tại miền Đông Ukraine là do phía chính quyền Kiev “trấn áp bạo lực” khu vực. Đồng thời, Tổng thống Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại đối thoại giữa Kiev và phe đối lập .
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Mogerini. Ông Lavrov lên án tình hình căng thẳng gia tăng tại Đông Nam Ukraine hiện nay là do chính quyền Kiev không đối thoại trực tiếp với hai khu vực Donetsk và Lugansk về việc thực hiện thỏa thuận Minsk. Về đề xuất của Mỹ mở rộng công thức đàm phán, Nga tuyên bố sẵn sàng làm tất cả để đưa các bên tới giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk.
Ngoại trưởng Lavrov nói: "Chúng tôi chắc chắn rằng, cần thiết để khôi phục lại tiến trình hòa bình, và để làm được điều đó thì các bên cần phải có những những nỗ lực cần thiết, đầu tiên là bắt đầu các cuộc đối thoại chính thức, trực tiếp giữa chính quyền Kiev và phe đối lập”.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu gây áp lực đòi chính quyền Kiev ngừng ngay các cuộc pháo kích tại Donbass, rút vũ khí hạng nặng và bắt đầu tiến trình chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng.