Xung đột Nga-Ukraine làm “nóng” Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những chương trình nghị sự quan trọng nhất của  Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 kéo dài 4 ngày ở Davos (Thụy Sĩ) là thảo luận những tác động chính trị - kinh tế từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Ukraine sẽ là tâm điểm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay. Ảnh: AP
Ukraine sẽ là tâm điểm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay. Ảnh: AP

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 hôm nay (23/5) chính thức khai mạc trực tiếp tại Davos, Thụy Sĩ, với trọng tâm thảo luận là các tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine, những thách thức với đà phục hồi kinh tế thế giới cũng như nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Là sự kiện thường niên thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước cũng như lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới vào tháng 1 hàng năm, WEF 2022 lần đầu tiên được tổ chức vào đầu Hè, sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch tại châu Âu. Hội nghị có chủ đề “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ và Chiến lược của doanh nghiệp”.

Theo lãnh đạo WEF, trong lịch sử 50 năm của mình, chưa khi nào Diễn đàn Kinh tế thế giới phải đối mặt cùng lúc với nhiều vấn đề trọng đại như thế đối với nhân loại khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, thế giới đang phải đương đầu với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ sự ổn định địa chính trị trong nhiều thập kỷ qua.

"Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm nay khác biệt vì thiếu sự hợp tác toàn cầu để giải quyết những thách thức cấp bách nhất này. Những thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có các giải pháp toàn cầu, và chúng tôi mong muốn thúc đẩy kế hoạch này tại sự kiện thường niên ở Davos," Ông Borge Brende, Chủ tịch WEF, nói tại cuộc họp báo trước phiên khai mạc WEF 2022.

Theo DW, Chủ tịch WEF Borge Brende nói rằng ông mong muốn thúc đẩy "Kế hoạch Marshall" nhằm tái thiết Ukraine tại Diễn đàn WEF 2022 dù các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev đang bị đình trệ.

“Ngay cả khi Nga và Ukraine chưa đạt thỏa thuận tiến tới chấm dứt cuộc xung đột hiện tại, chúng ta vẫn phải nỗ lực tái thiết, có thể chỉ ở những khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Chúng ta cần một Kế hoạch Marshall dành cho Ukraine,” ông Brende nói với tớ Süddeutsche Zeitung hôm 23/5. “Kế hoạch Marshall” là một sáng kiến của Mỹ nhằm hỗ trợ việc xây dựng lại một số nền kinh tế châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Ngoài cuộc khủng hoảng Ukraine, biến đổi khí hậu và lạm phát cũng sẽ là các chủ đề được chú ý tại WEF Davos 2022. Lạm phát là mối lo lớn trong thời gian gần đây, khi giá năng lượng và lương thực tăng vọt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Việc này làm gia tăng lo ngại thiếu đói tại các nước phụ thuộc vào lúa mì của khu vực này.

Các cuộc thảo luận tại hội nghị Davos tuần này cũng sẽ tập trung vào các vấn đề như thị trường tài chính toàn cầu lao dốc và nguy cơ kinh tế thế giới giảm tốc. Sau khi phục hồi mạnh trong 2 năm qua, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều “làn gió ngược”, mới đây nhất là đợt phong tỏa chống Covid-19 tại Trung Quốc. Việc này khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng 2 lần trong năm nay. GDP thế giới dự kiến chỉ có thể tăng 3,6% năm nay và năm sau, thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1/2022.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Diễn đàn năm nay là việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có bài phát biểu trực tuyến từ Kiev. “Đây là nền tảng kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới, là nơi Ukraine phải cất tiếng nói," Tổng thống Zelensky cho biết trong một video hôm 22/5. Nhiều quan chức chính phủ của Ukraine dự kiến sẽ tham dự diễn đàn Davos. Trong khi đó, năm nay, đoàn Nga không có đại diện nào từ chính phủ và doanh nghiệp tham dự.

Diễn ra từ ngày 23- 26/5, hội nghị thường niên của WEF năm nay có sự tham dự của trên 2.500 chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn, đại diện các tổ chức xã hội dân sự cũng như các cơ quan truyền thông. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự kiến sẽ có bài phát biểu tại hội nghị WEF 2022.