Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là việc làm cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng nhất là thời điểm.
Mỗi CSGT “cõng” 8.000 phương tiện
Theo thống kê của Phòng CSGT, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện, trong đó có hơn 600.000 ô tô, trên 5,2 triệu mô tô, 110.000 xe máy điện, khoảng 300 xe xích lô và ô tô điện. Đồng thời còn có một lượng lớn phương tiện từ tỉnh ngoài, biển ngoại giao, biển quân đội hoạt động trên địa bàn nhưng chưa được thống kê đầy đủ. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được sự gia tăng của các phương tiện. Nhiều tuyến đường bị rào chắn, thu hẹp khiến việc đi lại của các phương tiện và việc tổ chức giao thông của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, hiện nay, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chưa đáp ứng yêu cầu; cán bộ, chiến sĩ đang phải dùng sức người để thay thế khoa học kỹ thuật; trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT Hà Nội phải đảm nhiệm 9km đường giao thông, quản lý trung bình trên 8.000 phương tiện, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mỗi cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải làm việc tối thiểu 10 tiếng/ngày. Do đó, để đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu áp lực cho lực lượng CSGT, lãnh đạo Phòng CSGT đề nghị Cục CSGT báo cáo Bộ Công an đầu tư, lắp mới cho CSGT Hà Nội 3.000 camera có chức năng xử phạt ô tô, mô tô, có độ phân giải cao, có thể nhìn rõ biển số các loại phương tiện tham gia giao thông trong điều kiện ban đêm, ánh sáng yếu trên các tuyến phố nội đô, tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính ra vào TP, cầu vượt sông, cổng các bệnh viện, bến xe.
Phải sửa đổi những bất cập
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hình thức kiểm soát giao thông bằng camera là việc làm rất cần thiết để đảm bảo trật tự ATGT, giảm áp lực cho lực lượng CSGT trực tiếp làm việc ngoài đường. Tuy nhiên, việc đề xuất lắp đặt tới 3.000 chiếc camera vào thời điểm này là cần phải tính toán thật kỹ lưỡng.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù Hà Nội đã tiến hành xử phạt qua camera, nhưng đến thời điểm này, Bộ Công an vẫn chưa xây dựng và ban hành quy trình xử lý vi phạm qua hệ thống camera. Bên cạnh đó, ở các nước tiên tiến, khi đăng ký phương tiện, chủ xe phải mở tài khoản ở ngân hàng và đăng ký số tài khoản đó với cơ quan có chức năng để phục vụ việc phạt nguội (trừ tiền qua tài khoản khi vi phạm - PV). Thế nhưng, đến nay, ở Việt Nam , quy định trên vẫn chưa được thực hiện, chưa kể đến việc nhiều phương tiện chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Tương tự, một chiến sĩ CSGT thường xuyên tiến hành xử phạt qua camera cho rằng, đang có sự vênh nhau giữa Quy chuẩn 41/2016 của Bộ GTVT và Luật Giao thông đường bộ trong việc xử lý hành vi vượt đèn vàng (một trong những lỗi được xử lý nhiều thông qua hệ thống camera - PV). Cụ thể, theo quy định tại Quy chuẩn 41, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe” phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau để tránh nguy hiểm. Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ, khi đèn giao thông chuyển sang vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. “Chính độ vênh giữa Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn 41 đã khiến việc xử lý hành vi vượt đèn vàng hiện gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp trước khi tính đến chuyện lắp đặt thêm hệ thống camera” – chiến sĩ này chia sẻ.
Năm 2016, thông qua hệ thống camera, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 7.640 trường hợp vi phạm; gửi 7.892 thông báo cho người vi phạm, bắt giữ 5 xe ô tô BKS giả; trích xuất 227 lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra giải quyết TNGT bỏ chạy và phát hiện tội phạm, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông. |