Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xung quanh việc bỏ quy định chứng chỉ: Quyết định phù hợp với thực tế

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc Bộ Nội vụ chủ trì sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và những quy định về chứng chỉ để thăng hạng VC, lãnh đạo Bộ Nội vụ vừa yêu cầu các cơ quan liên quan tổng rà soát toàn bộ các loại chứng chỉ của CCVC. Giới chuyên gia cho rằng, việc rà soát để bỏ hay không bỏ, bỏ chứng chỉ nào là rất cần thiết nhưng có cơ chế để đảm bảo được trình độ năng lực thực chất của đội ngũ mới là quan trọng nhất.

Công chức bộ phận một cửa Bộ Nội vụ tiếp nhận giải quyết TTHC.
Tổng rà soát toàn bộ chứng chỉ
Câu chuyện những ngày đầu năm, hàng triệu viên chức của nhiều ngành nghề, trong đó có viên chức ngành giáo dục phải ồ ạt đi thi, đi học để bổ sung các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp... nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước những tâm tư, băn khoăn của đội ngũ viên chức, ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, Bộ Nội vụ đã yêu cầu Vụ CC - VC khi sửa Thông tư về CC hành chính và CC lưu trữ, cũng như CC chuyên ngành thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng, thanh tra… đều cần được tổng rà soát toàn bộ. “Đặc biệt, khi sửa Nghị định 101 cần đảm bảo tính liên thông, thống nhất với vị trí việc làm (VTVL) và các nội dung Nghị định 106/2020/NĐ-CP đối với VC và Nghị định 62/2020/NĐ-CP với CC, trên cơ sở Luật CBCC, Luật VC năm 2019 để đảm bảo tính liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đáng chú ý, liên quan việc giảm tải chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác quản lý sử dụng CBCCVC đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Vụ trưởng Vụ CC-VC Trương Hải Long cho biết: Trong quá trình soạn thảo thông tư của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã kịp thời có ý kiến để Bộ GD&ĐT sửa yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với giáo viên các cấp. Từ đó, mới đây Bộ GD&ĐT đã ban hành 4 thông tư về tiêu chuẩn giáo viên mầm non và phổ thông các cấp trong đó không quy định phải có chứng chỉ này trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo. Vừa qua, theo lĩnh vực ngạch CCVC chuyên ngành quản lý, Bộ Nội vụ cũng đã xây dựng Thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn CC hành chính và CC văn thư, đã gửi lấy tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương; hiện Vụ CC-VC đang thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ sớm ban hành. Ngoài ra, triển khai quy định mới của Luật CBCC sửa đổi, hướng tới đẩy mạnh giảm thủ tục thi cử phiền hà, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị Bộ TT&TT bổ sung hình thức xét tuyển phóng viên; 2 bộ sẽ sớm thống nhất để Bộ TT&TT ban hành Thông tư này.

“Chủ trương không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là đúng đắn, tạo được đồng thuận cao. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh bỏ chứng chỉ này không có nghĩa không cần ngoại ngữ, tin học nữa. Thực tế, chính Thủ tướng đã ban hành quyết định về chương trình đào tạo ngoại ngữ quốc gia, chương trình đào tạo ngoại ngữ với CBCCVC. Tùy yêu cầu VTVL, không cần nộp chứng chỉ nhưng cơ quan vẫn cần tổ chức thi hoặc sát hạch để CBCCVC đảm bảo trình độ đáp ứng yêu cầu công việc" - ông Trương Hải Long khẳng định. Đồng thời cũng nêu rõ, cần xem xét tổng thể khi chuyển đổi các tiêu chuẩn này, không chỉ với ngành giáo dục, để đảm bảo đồng bộ, tránh trùng lặp. Với trách nhiệm cơ quan tham mưu quản lý CBCCVC, Bộ Nội vụ sẽ sớm họp với các bộ quản lý chuyên ngành để ra ý tưởng, yêu cầu các bộ sửa đổi, bổ sung quy định của ngành mình, nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCCVC.

Sớm tháo gỡ bất cập

Theo các Thông tư của Bộ GD&ĐT, từ ngày 20/3/2021, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Việc loại bỏ này là một điều chỉnh hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tế của giáo viên các cấp trong công tác giảng dạy học sinh cũng như giảm chứng chỉ, bằng cấp không cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định mới, giáo viên muốn thăng hạng, giữ hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng (3 chứng chỉ). Nhiều người cho rằng, quy định này là không cần thiết, lãng phí, không góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục. Chương trình bồi dưỡng chứng chỉ nặng về lý thuyết, ôm đồm, xa rời thực tế. Việc tổ chức học, thi chứng chỉ mang tính đối phó, hình thức; do giáo viên đã được trang bị các kĩ năng cần thiết từ trường sư phạm. Bởi vậy, nhiều giáo viên vẫn kỳ vọng, mong muốn tiếp tục được giảm bớt những quy định, thủ tục bằng cấp, chứng chỉ rườm rà, để tập trung hoàn toàn cho công tác chuyên môn.

Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường cho biết, để đáp ứng quy định về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp khi thăng hạng, thời gian qua có rất nhiều giáo viên đổ xô đi học để lấy chứng chỉ. Đó là việc làm đối phó, chứ không phải giúp phục vụ cho công việc, nghiệp vụ chuyên môn. Vì yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên không xuất phát từ thực tế nên hoàn toàn mang tính hình thức. Vì thế các giáo viên mong muốn khi Bộ GD&ĐT ra một quyết định phải sát với thực tế, xuất phát từ công việc giáo viên đang thực hiện, ở từng vị trí khác nhau để có được. Ví dụ giáo viên bậc THCS với từng hạng 1, 2 hay 3 thì phải có mức độ đáp ứng khác nhau. Và tùy theo từng vị trí việc làm, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định cụ thể từng hạng.

Với quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh đồng tình việc ngành giáo dục vừa chính thức bỏ quy định này đối với giáo viên và nhấn mạnh: Không nhất thiết tất cả ngành, lĩnh vực đều đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, song với tin học thì đúng là ngành nào cũng cần, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. “Các ngành đều có thể bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, song quan trọng là vẫn phải tổ chức kiểm tra, sát hạch nhằm đảm bảo CCVC đạt được trình độ, kỹ năng cơ bản tối thiểu để đáp ứng công việc. Rõ ràng, một CC hiện không biết sử dụng kỹ thuật số, xử lý trên văn bản từ chữ ký số hay các kết nối mạng trong hệ thống hành chính với nhau… thì không thể đáp ứng yêu cầu" - ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Chỉ rõ vấn đề, trong các điều kiện hồ sơ để CC thi thăng hạng không cần yêu cầu có chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ, song theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, trong các tiêu chí cần nêu rõ phải đạt trình độ nào đó về ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, trong bối cảnh chất lượng đào tạo bồi dưỡng, trong đó có bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp, về ngạch… đang có nhiều vấn đề, thì song song với đề ra những quy định mới về tiêu chuẩn với CCVC, cần siết chặt lại khâu đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi để cấp chứng chỉ nghề nghiệp cũng như nâng cao chất lượng các kỳ sát hạch ngoại ngữ, tin học. Tổ chức thi, sát hạch cần đảm bảo nghiêm túc, chất lượng nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập.
Siết lại khâu quản lý để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, bằng cách tuyên truyền nâng cao thái độ của người học, kỹ năng của người dạy và chỉ có thi mới tạo ra tính tự giác của người học. Nhưng, xét cho cùng, có hay không có chứng chỉ không quan trọng bằng việc có trình độ thực chất, kỹ năng tối thiểu đạt yêu cầu đáp ứng công việc

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Ở thời điểm này, về cơ bản chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không giúp ngay được cho các giáo viên nâng cao được trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, mà họ đi học để cho có đủ. Vì thế, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh quy định cho phù hợp để giáo viên được thăng hạng đồng nghĩa với trình độ chuyên môn được nâng lên.

Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường