[Ý kiến chuyên gia] Gỡ nút thắt về quỹ đất

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ đất tại các đô thị ngày càng bị thu hẹp khiến giá bán nhà không ngừng gia tăng. Muốn phát triển những dự án nhà ở thương mại giá bình dân, Nhà nước phải tháo gỡ được các rào cản liên quan.

  TS Sử Ngọc Khương – chuyên gia nghiên cứu cao cấp về thị trường BĐS.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Sử Ngọc Khương – chuyên gia nghiên cứu cao cấp về thị trường BĐS.
Ông nhìn nhận thế nào về việc nguồn cung căn hộ thương mại trung cấp tiếp tục giảm sút trên thị trường?
- Trong quý II/2020, toàn bộ thị trường BĐS gần như “đóng băng” vì giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều dự án phải dừng hoặc hoãn triển khai theo kế hoạch, dẫn tới nguồn cung sản phẩm trên thị trường tiếp đà suy giảm từ giai đoạn trước. Tuy nhiên, khi thị trường hoạt động trở lại vẫn không cho thấy có sự khởi sắc về nguồn cung. Đặc biệt, mặt bằng giá sản phẩm nhà ở bình dân được thiết lập ở mức mới. Theo ghi nhận, tại TP Hồ Chí Minh trong quý II không dự án nào giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 được đưa ra thị trường. Đây thực sự là một vấn đề khó khăn đối với nhóm người thu nhập trung bình có nhu cầu sở hữu nhà.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho giá bán sản phẩm phân khúc bình dân ngày càng tăng, thưa ông?
- Có thể khẳng định là do quỹ đất tại các đô thị ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt ở các khu vực trung tâm. Cùng với đó, việc dừng cấp phép nhiều dự án để thực hiện rà soát, thanh tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật Nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai… đã khiến cho nguồn cung sản phẩm bị giảm sút. Theo quy luật tất yếu của thị trường, cầu lớn hơn cung thì giá sẽ bị đẩy lên. Mặt khác, thủ tục cấp phép dự án kéo dài, khiến cho các nhà đầu tư bị gia tăng chi phí về quản lý, vận hành, tiền lãi ngân hàng… Vì vậy, buộc họ phải tăng giá bán để bù lấp các chi phí này, nhằm bảo đảm lợi nhuận.
Theo ông, để giải quyết thực trạng này cần phải làm gì?
- Với nỗ lực tìm kiếm giải pháp hữu hiệu nhằm khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp phát triển, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ về giá trần nhà thương mại. Theo đó những căn hộ diện tích dưới 70m2 có giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2 hoặc không vượt quá 25 triệu đồng/m2.
Theo tôi đây là chủ trương tốt, sẽ tác động tích cực đến nhóm người thu nhập vừa và thấp tại các đô thị lớn. Nhưng để hiện thực hóa vấn đề này cần phải gỡ được một số nút thắt. Thứ nhất, vấn đề về quỹ đất dành cho nhà ở thương mại giá thấp trong nội đô TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thứ hai, những tồn tại trong vấn đề pháp lý, từ lúc chấp thuận chủ trương cho đến khi cấp phép khởi công dự án. Thứ ba là biên độ lợi nhuận của DN. Cuối cùng là chất lượng của sản phẩm nhà ở thương mại giá rẻ, phải an toàn về xây dựng, có cơ sở hạ tầng đi kèm.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần