Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ý kiến chuyên gia] Linh động hơn chính sách về tài chính

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2020 giá nhà tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ vẫn “thiếu hàng” do nguồn cầu tăng. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 
Ông đánh giá thế nào về thực trạng của phân khúc nhà ở giá rẻ ở thời điểm hiện tại?
- Dựa theo các tiêu chí về giá bán, thì phân khúc giá bình dân ở mức dưới 25 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại thị trường BĐS nói chung và phân khúc nhà ở giá rẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong năm 2019, tại thị trường Hà Nội, giá bán căn hộ giá rẻ được ghi nhận dao động từ 22,3 – 22,5 triệu đồng/m2 nhưng số lượng sản phẩm không nhiều và chỉ hiện diện ở những khu vực xa trung tâm, nơi có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện nên cũng không thực sự hấp dẫn người dân.
Vậy ông có dự báo gì về triển vọng phát triển của phân khúc nhà ở giá rẻ trong năm 2020?
- Mặc dù thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá chung thì phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn rất tiềm năng, nhu cầu về nhà ở giá rẻ nói chung ngày càng tăng cao. Nhưng đáng quan ngại nhất là thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà phát triển BĐS lại không thực sự mặn mà đối với dòng sản phẩm nhà ở giá rẻ, do lợi nhuận đầu tư không cao; trong khi đó những vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, cấp phép dự án lại mất nhiều thời gian, phát sinh thêm nhiều chi phí...
Theo tôi, trong năm 2020, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ tiếp tục khan hiếm trên thị trường và tình trạng này còn có thể kéo dài đến giai đoạn 2021 – 2022.
Theo ông, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng khan hiếm nhà ở giá rẻ trong thời gian tới là gì?
- Quan trọng nhất là phải sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường BĐS một cách đồng bộ, tập trung vào các vấn đề như: Quản lý, sử dụng các sản phẩm BĐS; quản lý thị trường vật liệu xây dựng; rút ngắn các thủ tục hành chính, cấp phép, phê duyệt dự án; quản lý chặt các hoạt động giao dịch BĐS để tránh tạo ra những cơn “sốt đất” hay tình trạng lừa đảo bán “dự án ma”... Cùng với đó, cần phải linh động hơn chính sách về tài chính, bởi thực tế nguồn vốn vay đổ vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở mức thấp, tập trung chủ yếu vào các dự án cao cấp...
Xin cảm ơn ông!