Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ý kiến chuyên gia] Nên hỗ trợ cho người mua nhà

Khánh Huy (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh việc hỗ trợ DN BĐS có nhiều luồng dư luận trái chiều, phóng viên đã có một cuộc trao đổi với Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển.

 Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển.
Thưa ông, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đã có những đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho DN BĐS. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Các hiệp hội đề nghị Chính phủ hỗ trợ DN BĐS là một việc có thể hiểu được bởi hiệp hội đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN. Các hiệp hội có lý do để lo lắng vì cộng đồng DN BĐS nếu có một sự đổ vỡ nào đó có thể có những tác động cho nền kinh tế, kéo theo các ngành liên quan như xây dựng, ngân hàng, các nhà đầu tư...
Sự đổ vỡ nếu có của DN BĐS có thể gây hiệu ứng domino, hỗ trợ DN BĐS thực ra là hỗ trợ một hệ sinh thái kinh tế. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Vấn đề đặt ra lúc này nếu Chính phủ không hỗ trợ thì cộng đồng DN BĐS có đổ vỡ hay không? Tôi nghĩ là cộng đồng DN BĐS có thể yếu đi và tự điều chỉnh chứ không có tình trạng đổ vỡ. Cũng phải xác định quan hệ giữa ngân hàng và DN BĐS là quan hệ làm ăn, họ phải đồng hành trong lúc khó khăn. Nếu làm căng, khăng khăng bắt DN trả nợ hoặc xử lý tài sản thế chấp thì chỉ làm gia tăng nợ xấu, ngân hàng có nhiều cách lựa chọn chẳng hạn như gia hạn, khoanh nợ, giãn nợ... Tuy nhiên, việc này có những quy định rất cụ thể, nếu vượt quy định thì sẽ làm khó ngân hàng thương mại...
Nếu có một hình thức hỗ trợ nào đó từ Chính phủ dành cho những đối tượng bị tác động bởi đại dịch Covid-19, theo ông nên hỗ trợ những đối tượng nào?
- Theo tôi, nếu có một sự hỗ trợ nào đó dành cho các đối tượng bị tác động mạnh bởi đại dịch thì nên chọn cách hỗ trợ cho đối tượng là người mua nhà trả góp trong dài hạn. Họ có thể là công chức, nhân viên văn phòng, tiểu thương... bị mất việc, thiếu việc làm, thu nhập sụt giảm do đại dịch Covid-19. Những đối tượng này thuộc diện chính sách nhà ở. Họ gặp khó khăn thực sự khi phải xoay xở một khoản tiền nhất định để trả góp cho căn hộ đã mua trong tình cảnh thu nhập bị giảm 50 - 70%.
Việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để tránh cho họ phải bán lại căn hộ đã mua, dẫn đến tình trạng bán hàng loạt với giá thấp như tình trạng của cơn khủng hoảng năm 2012. Ngoài ra, chính nhờ việc giãn trả nợ, giúp cho người đang trả góp mua nhà vẫn có tiền để chi tiêu và nhờ đó nguồn cầu tiêu dùng vẫn duy trì, là yếu tố quan trọng để kinh tế vượt qua khó khăn đại dịch
Xin cảm ơn ông!