Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ý kiến chuyên gia] Sức ép lên hạ tầng

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Trần Quốc Việt - chuyên gia Nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho rằng, việc phát triển BĐS công nghiệp quá nóng sẽ gây sức ép lên hạ tầng.

 Ông Trần Quốc Việt - chuyên gia Nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam)
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của phân khúc BĐS công nghiệp?
- Thời gian gần đây, nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng luôn ở mức tăng trưởng ổn định qua các năm. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này trước hết là do thể chế chính trị ổn định đã mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư khi đến Việt Nam.
Thứ hai, trong thời gian gần đây, do chiến tranh thương mại giữa các cường quốc trên thế giới, dẫn đến việc chuyển dịch nhà máy, phân xưởng sản xuất tới Việt Nam ngày càng nhiều.
Thứ ba, đó là các hiệp định thương mại đã ký kết bắt đầu có hiệu lực và cả những hiệp định mới ký kết sắp được đưa vào thực hiện, càng thu hút nhiều hơn các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nếu tận dụng tốt được những lợi thế trên sẽ trở thành thời cơ để BĐS công nghiệp cất cánh.
Những thách thức đặt ra hiện nay là gì, thưa ông?
- Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế mở cửa cho nhà đầu tư nhưng thực tế, các DN, đặc biệt là DN nước ngoài vẫn gặp khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư, sự minh bạch về thông tin của thị trường BĐS… đang được xem là rào cản khi đầu tư vào BĐS khu công nghiệp.
Vấn đề đáng lo ngại nhất khi phát triển BĐS công nghiệp hiện nay chính là sức ép lên hạ tầng. Theo đánh giá chung, hệ thống hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông hiện nay luôn trong tình trạng quá tải hoặc xuống cấp, nếu không dự báo được mức độ phát triển khi cho phép đầu tư thì các dự án sẽ bị chậm triển khai, gây thất thoát ngân sách.
Bên cạnh đó là những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường khi các khu công nghiệp không có được sự quản lý chặt chẽ về chất thải, nước thải…
Để biến những thách thức thành cơ hội cần phải quan tâm vấn đề gì, thưa ông?
- Quan trọng nhất vẫn là cơ chế và thủ tục hành chính. Chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế nên cách quản lý cũng phải dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Phải minh bạch và công khi các nội dung liên quan đến quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và quy hoạch khu công nghiệp trong tổng thể quy hoạch chung để nhà đầu tư nghiên cứu và sớm nắm bắt cơ hội đầu tư, sớm quyết định đầu tư.
Quá trình thu hút đầu tư phải song hành với việc đầu tư hợp lý cho hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt với hạ tầng giao thông, chú trọng đến hạ tầng đường cao tốc, cảng biển, nhà ga… là những lợi thế trong thu hút đầu tư.
Xin cảm ơn ông!