Trường Ngô Thời Nhiệm nơi xảy ra vụ việc thầy giáo phạt tiền học sinh khi không đi học phụ đạo và mắc lỗi. |
Anh T.V.H (ngụ phường Phú Hòa, Bình Dương) phụ huynh của em B. hiện là học sinh của lớp 12A8 (lớp do thầy Trần Văn Thiện làm chủ nhiệm) cho biết : Khi đọc xong bài báo, tôi hỏi con gái tôi là đã bị đóng phạt bao nhiêu rồi, cháu nói đóng phạt 100.000 đồng hôm thứ 5. Mà hôm thứ 4 cháu bệnh nghỉ ở nhà chúng tôi biết vậy mà vẫn bị đóng phạt, một điều nữa là thầy giáo chủ nhiệm nói phụ huynh biết và đồng thuận nhưng chúng tôi là phụ huynh mà có biết gì đâu. “Nhà tôi cách trường 10km, cho cháu tiền để đi đường phòng thân, về cháu xin tiền đóng phạt mà nói dối là mua sách, giờ đọc báo hỏi con cháu khai thật là xin tiền đóng phạt chứ không phải mua sách” - anh H bức xúc. Chị Hoàng Thị Vệ (ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) có hai con của chị đang học lớp 9 và lớp 12 tại một trường dân lập trên địa bàn quận 9, cho biết: “Tôi đồng tình với việc học sinh phạm lỗi thầy cô có quyền phạt hay báo với phụ huynh để dạy bảo các cháu, tuổi của các cháu không thể dùng đòn roi hay bêu trước trường vì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý các cháu. Đặc biệt cách phạt của các thầy đưa ra sẽ làm cho các cháu nghĩ rằng cứ có tiền là sẽ mua được tất cả, vậy tại sao không thoải mái phạm lỗi rồi bỏ tiền ra mua lỗi. Sau này lớn lên ra ngoài đời các cháu cũng làm vậy vì hồi còn học thầy giáo làm vậy được mà”. Cô Phạm Thị Hương, giáo viên môn văn trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Nghề giáo là nghề rất nhạy cảm, nếu người giáo viên dạy không đúng cách sẽ làm hư học sinh. Thế nên những người làm nghề giáo chúng tôi mỗi khi đưa ra hình thức kỷ luật học sinh hay cách dạy nào cho phù hợp với độ tuổi các em thì sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng với các em. Nhưng do các thầy còn trẻ, suy nghĩ chưa tới nên hiểu nhầm đó là phương pháp đúng, nghề nào cũng có thể sai nhưng biết sai sớm mà sửa thì chấp nhận được và nhà trường nên kiểm điểm chính mình trước cách quản lý của mình chứ không thể đổ lỗi cho thầy cô như vậy được”. Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Ngô Mai Lan (Phòng tâm lý - Nhà văn hóa thiếu nhi TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tâm lý của học sinh ở độ tuổi lớp 12 đang thay đổi, muốn chứng tỏ bản thân mình trước mọi người nhất là bạn bè. Nếu thầy phạt học sinh bằng tiền như vậy, có những em sẽ tích cực bị phạt để “được” đóng phạt để cho các bạn biết mình có tiền, hoặc khi không có tiền đóng phạt thì sẽ nói dối với gia đình xin tiền để đóng phạt… Có thể nói đây là cách giáo dục phản giáo dục vì các thầy không lường trước được hệ lụy sau này đối với học trò là tạo cho các em tâm lý xấu “tiền có thể mua được tất cả”. “Tôi thấy không chỉ có trường Ngô Thời Nhiệm có cách phạt này mà còn rất nhiều các trường khác có những cách phạt học sinh “lạ đời” này, có em học sinh lớp 10 được phụ huynh đưa tới đây vì có biểu hiện tâm lý trầm cảm, sợ tới trường và sợ bạn bè, khi tiếp xúc với chuyên gia các em cho biết ở trường bị cô phạt đi rửa nhà vệ sinh, hay quỳ trước lớp chỉ vì em không thuộc bài khiến em xấu hổ với bạn bè nên tự tách mình ra và sợ tới trường. Các thầy cô cứ nghĩ phạt như vậy là tốt cho học sinh nhưng không hề đúng vì những hình phạt đó đang vô tình đưa giáo dục đi lệch quỹ đạo” - chuyên gia tâm lý Mai Lan cho biết.
Sáng ngày 9/3, trao đổi với phóng viên sau khi báo chí đăng tải vụ việc. Thầy Trần Lê Chí Công - Phó Hiệu trưởng trường Ngô Thời Nhiệm cho biết, sáng ngày 7/3, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duật Tu đã trực tiếp xuống hai lớp là 12A8 và 12A1 để xin lỗi học sinh và yêu cầu hai thầy chủ nhiệm đập heo đất trả tiền cho học sinh đã bị đóng phạt. “Trong tuần này, hội đồng nhà trường sẽ họp kỷ luật hai thầy trước hội đồng nhà trường và họp phụ huynh đưa ra lời xin lỗi tới phụ huynh về vụ việc đáng tiếc này” - thầy Công cho biết thêm. |