Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Y tế cơ sở “căng mình” mùa dịch

Linh Nguyễn - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Hơn 2 tháng nay, lấy cơ quan là nhà, cách ly hoàn toàn gia đình, gửi 2 con nhỏ về ông bà nội, chỉ biết đến chồng con qua điện thoại…” - chị Nguyễn Thị Bình, một trong hai nhân viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng) chuyên tiếp xúc bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 kể về cuộc sống trong mùa dịch.

 Nhân viên Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng lên đường để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại phường Phạm Đình Hổ. Ảnh: Thùy Linh

“Alo” là lên đường
Gần 22 giờ ngày 24/3, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Vân Anh (phụ trách “hotline” về dịch Covid-19 của quận) nhận cuộc gọi từ một nhân viên Công ty Hà Sơn chuyên phục vụ xe cấp cứu, báo tin trước đó đã chở bệnh nhân số 133 (Bộ Y tế công bố tối 24/3) từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai về nhà tại Lai Châu. Bà lập tức đề nghị trường hợp này tự cách ly, đeo khẩu trang, không giao tiếp với ai; cung cấp ngay danh sách người đã tiếp xúc, cùng kíp xe đó... Bà cũng hướng dẫn cách ly hơn 10 người của đội xe tại Công ty, báo ngay Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế quận) và Trạm Y tế phường Minh Khai về việc này…
Từ đầu mùa dịch Covid đến nay, điện thoại của cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng là vật bất ly thân, ngày hay đêm luôn phải để chuông. Giám đốc Trung tâm quán triệt mọi người, chỉ 1 cuộc gọi không trả lời sẽ bị nhắc nhở ngay; trong đó, 100% cán bộ, nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh phải trong tư thế sẵn sàng lên đường khi Trưởng khoa điều động. 22 giờ, 24 giờ đêm, 3 giờ sáng… được báo có F0 hay trường hợp nguy cơ dương tính trên địa bàn, Trung tâm đều phát ngay “báo động đỏ”, các lực lượng lập tức đi xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn, phối hợp cấp cứu 115 đưa thẳng đến BV cách ly.
Chung tay cùng Hà Nội và cả nước phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã thành lập Đội phản ứng nhanh với 20 cán bộ, y bác sĩ, với nhiệm vụ vận chuyển người về từ vùng dịch đến các địa điểm cách ly trên địa bàn TP và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hưng Yên… Cùng với Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế (thuộc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài), Bộ Tư lệnh Thủ đô, các cán bộ, y bác sĩ trong Đội sẽ tiến hành rà soát, thực hiện tiếp nhận hộ chiếu, ghi chép thông tin cá nhân và vận chuyển người về từ vùng dịch Covid-19 đến các khu vực cách ly tập trung.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú – Phó Trưởng khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng (Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn Hà Nội đến nay, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô hỗ trợ vận chuyển gần 12.000 người đi về từ các quốc gia có dịch Covid-19. “20 anh chị em được chia làm 2 ca, túc trực 24/24h suốt 7 ngày, cứ nhận được mệnh lệnh là chúng tôi lên đường…” – Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú nói.
Vượt khó để đi hết chiến dịch
Sau bữa ăn tối tập trung với các đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Hiền, chị Đàm Thị Nga – cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn lại mở điện thoại để gọi video call với hai con nhỏ ở nhà. Gần một tháng qua, hai chị chỉ có thể nhìn thấy gương mặt thân thương của con qua màn hình điện thoại. Từ ngày nhận nhiệm vụ vào Đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, chị Hiền, chị Nga và 18 cán bộ, y bác sĩ khác cũng buộc phải cách ly. Vượt qua khó khăn của nhịp sống sinh hoạt có nhiều thay đổi, tất cả các cán bộ, y bác sĩ thuộc Trung tâm đều hiểu rằng, đây là cách an toàn nhất để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo cho chính những người thân trong trường hợp không may trong đội có người bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhiều cán bộ, y bác sĩ chia sẻ rằng, dù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng may mắn khi họ luôn nhận được sự động viên, khích lệ rất lớn từ gia đình – nơi hậu phương vô cùng vững chãi. Tất cả đều tâm niệm, sẽ đi cùng nhau cho đến hết chiến dịch, để có thể hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc Việt Nam, sớm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Điều những người làm công tác y tế cơ sở mong nhất là người dân hiểu biết hơn, khi có vấn đề nghi nhiễm thì nghiêm túc cách ly, giúp bảo vệ mình, người thân, cộng đồng. Cùng với đó, họ mong muốn nhân viên trực tiếp tiếp xúc bệnh nhân được cấp đủ trang phục bảo hộ để bảo vệ bản thân.
Đã có lây nhiễm chéo trong cán bộ nhân viên y tế, nhất là đội xét nghiệm chịu nguy cơ rất cao bởi phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trung tâm đã được TP cấp 20 bộ quần áo phòng hộ cho nhân viên trực tiếp phòng chống dịch, quận hỗ trợ 100 bộ, song chưa biết tới đây ra sao vì hiện đã gần hết số lượng đã có.
Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Trần Phương Anh