Tiếp tục đề nghị Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa

Yêu cầu cấp thiết từ thực tế

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết sau cuộc giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông; trong đó có nội dung đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK.

Nhiều bất cập về vấn đề sách giáo khoa hiện nay

Tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội đã quyết nghị: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn…”.

Năm học 2023 – 2024 là năm thứ tư thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới. Ảnh: Nam Du
Năm học 2023 – 2024 là năm thứ tư thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới. Ảnh: Nam Du

Thực hiện quyết nghị trên, Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch biên soạn một bộ SGK theo chương trình GDPT mới. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, do gặp một số khó khăn, vướng mắc nên kế hoạch không thể thực hiện được. Bộ GD&ĐT khẳng định vẫn bảo đảm đủ SGK khi thực hiện chương trình mới, các bộ SGK bình đẳng.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm thẩm định SGK của các NXB và chịu trách nhiệm nội dung các SGK. Đến nay, khi bước vào năm thứ tư triển khai Chương trình GDPT 2018 với 3 bộ SGK lớn thì một lần nữa vấn đề “Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” được nhắc lại.

Nguyên nhân bởi, khi thực hiện giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình GDPT và SGK, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ ra nhiều bất cập về vấn đề SGK hiện nay như: Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn; cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian.

Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn; Quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ; giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2018 tăng gấp 2 - 4 lần giá bộ SGK theo Chương trình GDPT 2006. Số đầu SGK tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách…

Từ những tồn tại, bất cập nêu trên, UBTVQH xây dựng Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, đề nghị “Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK”. Ngày 18/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết này.

“Tôi ủng hộ quan điểm cần có một bộ SGK của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 vì chỉ có như vậy mới giải quyết được những mâu thuẫn hiện nay về vấn đề SGK. Khi Nhà nước có một bộ SGK, những lộn xộn liên quan đến nội dung, hình thức, đặc biệt là giá cả SGK chắc chắn được dẹp bỏ” - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết khi Bộ GD&ĐT giải trình với Quốc hội về việc không viết bộ SGK theo yêu cầu, bà đã nói Nghị quyết Quốc hội đã ban hành thì phải thực hiện.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Nghị quyết có giao cho Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu biên soạn một bộ SGK nhưng không nêu Bộ phải hoàn thành nhiệm vụ này vào năm nào. Đây là lối mở để Bộ cân nhắc lựa chọn thời điểm thích hợp. Nếu vẫn duy trì một chương trình nhiều bộ SGK thì Bộ vẫn nghiên cứu tổ chức biên soạn một bộ SGK của mình nhưng tính toán thời điểm phù hợp và khâu thẩm định SGK vẫn rất cần được chú trọng.

Biên soạn bộ sách giáo khoa của Nhà nước là cần thiết

Năm học 2023 – 2024 là năm thứ tư thực hiện Chương trình GDPT 2018 gắn với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”. Quá trình giảng dạy chương trình mới với sự lưu hành của 3 bộ SGK, các thầy cô đánh giá mỗi bộ sách có ưu điểm, nhược điểm riêng, tuy nhiên cũng thấy khá nhiều rắc rối khi cùng một nhà trường nhưng năm trước học bộ sách này, năm sau học bộ sách khác; sách có sai sót; đôi khi không đồng nhất thuật ngữ giữa các bộ sách...

Mặc dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra nhiều lí lẽ cho rằng, khi thực hiện chương trình GDPT 2018, chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ là học liệu nên điều cần thiết là các nhà giáo phải thay đổi quan niệm và cách sử dụng SGK, đồng thời điều chỉnh thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể… song, quan điểm của tư lệnh ngành GD&ĐT không nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Không ít chuyên gia giáo dục và phụ huynh học sinh bày tỏ, vấn đề ở đây không chỉ là chương trình, là quan điểm về SGK mà ở chỗ SGK hiện rất lộn xộn, giá thành cao, chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí tiền của dân.

“Trong dịp hè, học sinh muốn tìm mua SGK để về tham khảo nhưng chịu không mua được. Đầu năm học, nếu không kịp đăng ký mua SGK ở trường cho con, phụ huynh tìm hết hơi ở các nhà sách cũng khó có đủ bộ theo lựa chọn của trường. Trường hợp đăng ký mua sách ở trường lại chỉ có thể mua trọn bộ chứ không bán lẻ… Tôi nghĩ, việc Bộ biên soạn một bộ SGK sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề phức tạp đang gặp phải hiện nay, trong đó vấn đề phụ huynh quan tâm nhất là hạ giá thành sách”- phụ huynh Hoàng Văn Đạt, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ.

Bạn đọc Quốc Hoa (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Việc có thêm một bộ SGK của Nhà nước là rất hợp lý. Các bộ SGK hiện nay giá rất cao, tác động đến hàng triệu phụ huynh có con đi học. Việc xã hội hóa SGK khiến bộ sách tăng giá thành 2 - 3 lần là không ổn. Khi Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách chẳng những sẽ bảo đảm về chất lượng mà còn làm giá sách giảm, mang đến lợi ích cho hàng triệu học sinh, nhất là học sinh ở những khu vực còn khó khăn”.

Thay mặt đoàn giám sát của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK.

Từ thực tế thực hiện, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Kiến nghị trên hiện đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH.

 

Dù có thêm một bộ SGK của Nhà nước nhưng các bộ sách vẫn bình đẳng. Việc chọn lựa SGK sẽ do chính nhà trường, thầy cô quyết định căn cứ quá trình tìm hiểu, so sánh của mình. Nếu bộ SGK của Bộ không hay, các giáo viên sẽ không lựa chọn. Để tránh tốn kém, đẩy nhanh tiến độ, thuận tiện cho việc chỉnh sửa và phù hợp với tiến trình chuyển đổi số, Bộ có thể nghiên cứu làm SGK điện tử.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH nêu: Sửa đổi quy định lựa chọn SGK (Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK. Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ SGK nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học. Quy định về cung ứng, phát hành SGK theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách.
Cùng với đó, cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, định giá tối đa SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu.