Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Chiều 26/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo thường kỳ với sự tham dự của đại diện các cơ quan báo chí Việt Nam, đại diện văn phòng các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Hà Nội, các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, những ngày qua, khi giàn khoan Hải Dương - 981 cùng lượng lớn máy bay, tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Trung Quốc có thêm hoạt động phức tạp tình hình.

Vào 13 giờ ngày 21/6, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan Nam Hải 09 đã đến vị trí Trung Quốc thông báo. Tiếp đó, Cục Hải sự Trung Quốc còn đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại Biển Đông. Điều đáng nói, khu vực giàn khoan Nam Hải và tàu khảo sát hoạt động là thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa phân định. Theo luật pháp quốc tế, không bên nào được thăm dò, khai thác ở vùng chưa phân định. Hành động này diễn ra khi ông Dương Khiết Trì vừa sang thăm Việt Nam khiến dư luận quốc tế và Việt Nam lo ngại vì các giàn khoan này vi phạm chủ quyền của nhiều nước liên quan.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, tàu quân sự Trung Quốc vẫn thường xuyên có mặt tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và những lời nói của Trung Quốc đang không đi đôi với việc làm. Sau khi công bố một loạt hình ảnh, video clip chứng thực cho nhận định trên, ông Ngô Ngọc Thu cho biết, không riêng gì phóng viên Việt Nam mà cả phóng viên quốc tế đều ghi lại được những hình ảnh đó nên việc Trung Quốc nói tàu quân sự của nước này chỉ "đi ngang qua" là hoàn toàn không chính xác. Trên thực địa, phía Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục huy động 33 - 43 tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo cùng với 30 - 40 tàu cá hoạt động vòng ngoài tạo thành vành đai bảo vệ từ xa. Để uy hiếp lực lượng của Việt Nam, Trung Quốc còn sử dụng máy bay như trinh sát, tiêm kích, trực thăng bay ở độ cao 300 - 500m.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc Thu, Trung Quốc đang sử dụng thủ đoạn mới để uy hiếp tàu Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc thường sử dụng tàu hải cảnh để đâm vào tàu Việt Nam nhưng những ngày gần đây đã thay bằng tàu kéo công suất lớn. Những tàu kéo này có hệ thống đệm va tốt nên khi đâm, tàu Việt Nam sẽ không gây nhiều hư hại cho tàu Trung Quốc.

Những hình ảnh ngang ngược của Trung Quốc hôm 23/6 được phát lại cho thấy, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã bị 7 tàu Trung Quốc vây ép, đâm húc gây lún mạn trái thuyền Việt Nam tới 1m, gây rách boong tàu 2m, hỏng khu y tế, cứu sinh. Vị trí này cách giàn khoan 11,5 hải lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, đây là hành vi hết sức nghiêm trọng, đe dọa tàu của Việt Nam hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam lên án mạnh mẽ hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động gây hư hại cho tàu Việt Nam, đồng thời bồi thường cho tàu kiểm ngư cũng như các tàu khác của Việt Nam đã bị gây hư hại.

Ngoài những hành động gây căng thẳng tình hình trên, Trung Quốc còn phát hành bản đồ địa hình Trung Quốc trong đó có đường lưỡi bò, tiếp tục mở rộng, xây dựng trái phép trên một số hòn đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nói trên, không có hành động tương tự trong thời gian tới, đồng thời phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tại buổi họp báo, các đại diện của Việt Nam  đều khẳng định, chủ trương của Nhà nước Việt Nam mong muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đang hoạt động trên biển, mặc dù bị tấn công bởi tàu Trung Quốc nhưng vẫn kiên trì biện pháp hòa bình theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, ông Ngô Ngọc Thu cho biết, Việt Nam sẽ có biện pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia bị xâm hại và lực lượng thực thi pháp luật sẽ thực hiện mọi biện pháp Nhà nước yêu cầu.
Việt Nam không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào

Ngày 26/6, phát biểu với cử tri TP Hồ Chí Minh trong buổi tiếp xức cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa khẳng định, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên trên thế giới trên quan hệ hợp tác, bình đẳng đôi bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam không hề phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Hướng về tương lai, Việt Nam quyết tâm làm sâu sắc và hiện thực hóa đường lối này. Về sức mạnh tổng hợp của công cuộc đấu tranh, Chủ tịch nước cho rằng, mỗi người dân, mỗi cấp, mỗi ngành... cùng nhau đồng thuận, đoàn kết để tạo thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.