Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu thương đi kèm nghiêm khắc

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị cũng như nhiều bậc phụ huynh luôn cho rằng, nghiêm khắc với trẻ là cách giáo dục tốt nhất để trẻ ngoan ngoãn và nghe lời.

Con trai chị lại là một đứa trẻ rất hiếu động và cá tính. Ở trường, con hay mắc những lỗi như nói chuyện trong lớp, rồi mải chơi quên làm bài… Và mỗi lần như thế con lại bị phạt, vi phạm nhiều lần thì viết bản kiểm điểm.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Lúc đầu, mỗi lần bị phạt con trai chị đều về kể với mẹ. Nhưng thay vì uốn nắn con một cách nhẹ nhàng để con hiểu về lỗi của mình, chị lại “nổi điên”, phạt con bằng nhiều hình thức, thậm chí cả roi vọt. Chị luôn cho rằng, làm như thế con sẽ răm rắp nghe theo lời mẹ, sẽ trở thành một đứa trẻ ngoan, không còn phạm lỗi nữa. Nhưng chị đã quên mất rằng, con trai chị chỉ là một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi, bồng bột và non dại. Và rồi chị nhận thấy, con không còn mang những chuyện ở lớp về kể với chị nữa, chị cũng để ý thấy con trai mình bỗng nhiên biết nói dối, thậm chí còn tìm cách chống chế cho những lỗi lầm của mình. Chị thực sự lo ngại, nếu cứ đà này cháu sẽ trở thành một đứa trẻ sống quen với sự dối trá. Chị chợt thấy mình đã quá cứng nhắc khi giáo dục con. Chị đã lạm dụng quyền làm mẹ của mình mà áp đặt “phương pháp rèn con” mình cho là đúng mà không cho con thấy được sự bao dung sau đó.

Thực tế, việc bố mẹ khi tức giận không kiềm chế được nên to tiếng quát mắng, thẳng tay roi vọt hay áp dụng “hình phạt nghiêm khắc” với con cái không phải là chuyện quá hiếm. Không chỉ trong gia đình, cách “rèn luyện” này cũng được thấy ở cả môi trường giáo dục, ngôi nhà thứ hai của trẻ. Và chính thói quen không tốt của người lớn là luôn áp đặt, không cần lý do và giải thích thỏa đáng đã làm xói mòn cảm xúc ở trẻ. Lâu dần hình thành lối mòn giáo dục “áp đặt” ở gia đình và trường học. Con trẻ không có cơ hội thể hiện suy nghĩ và nhu cầu cá nhân, suy nghĩ độc lập. Mọi thứ diễn ra theo đúng nền nếp mà người lớn quy định, nhằm thỏa mãn mong muốn được lý giải là “để chúng lớn khôn hơn”. Nhưng nói như thế không có nghĩa trẻ phải được lớn lên theo bản năng, không cần khuôn phép hay định hướng, được chiều chuộng và chẳng bao giờ biết đến sự dạy bảo nghiêm khắc.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, vấn đề dạy dỗ, rèn luyện trẻ và áp dụng các hình thức kỷ luật như thế nào cho phù hợp là một vấn đề rất cần suy nghĩ. Sự nghiêm khắc quá mức trong giáo dục trẻ không phải lúc nào cũng đúng. Bởi nghiêm khắc là cần thiết, nhưng phải để trẻ thấy được sự yêu thương đi kèm sau đó, mới có thể giúp trẻ phát triển một cách tích cực. Bởi thế, biện pháp giáo dục tốt nhất là tình yêu thương và sự thấu hiểu. Bản thân bố mẹ cũng phải đủ bình tĩnh để thiết lập những nguyên tắc phù hợp với lứa tuổi, tính cách của trẻ, văn hóa của gia đình và xu hướng chung ngoài xã hội. Đứa con ngoan không hình thành từ những trận đòn roi hay những hình phạt nào.