Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu thương và trách nhiệm

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 12 năm, với Chỉ thị số 718/TTg ngày 01/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ tháng 9 hàng năm được lấy làm Tháng An toàn giao thông (ATGT).

Tháng ATGT năm nay được mở đầu bằng sự kiện đi bộ vận động toàn dân “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội tổ chức. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội cùng khoảng 3.000 học sinh lớp 1, các bậc phụ huynh đã tham gia sự kiện đầy ý nghĩa này.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ trẻ em, nỗ lực và tạo mọi điều kiện cho trẻ em được sống an toàn, trong đó việc thực hiện đội mũ bảo hiểm là việc làm vô cùng thiết thực.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đã chính thức phát động, kêu gọi cả hệ thống chính trị cùng mọi người dân cam kết thực hiện và thực hiện hiệu quả cuộc vận động đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Cuộc vận động mang ý nghĩa thiết thực này đã được dư luận và công luận quan tâm, ủng hộ. Ngay lập tức, hầu hết các cơ quan báo chí đều đưa tin về sự kiện này. Nhiều tờ báo chạy hàng tít mang thông điệp mạnh mẽ: Chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm bị phạt nghiêm từ tháng 9! Đó là hiệu ứng xã hội đầy tích cực!
Tuy nhiên, bên cạnh hy vọng và niềm tin sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ từ cuộc vận động, vẫn có những điều cần suy ngẫm. Bởi xem ra có gì đó quen quen khi đọc những hàng tít nêu trên. Mà quả là quen thật, hay nói cách khác là nó không mới. Gõ vào công cụ tìm kiếm dòng chữ “Chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm bị phạt nghiêm từ tháng 9” có đến 168.000 kết quả trong vòng 0,6 giây đồng hồ.
Bên cạnh rất nhiều bài được xuất bản trong những ngày đầu tháng 9/2019 này, tức là sau sự kiện trên cùng những lời kêu gọi, chia sẻ đầy tâm huyết của các vị lãnh đạo Chính phủ, UBND TP Hà Nội… có những bài được xuất bản từ tháng 9/2015, thậm chí là từ năm 2012… Điều đó cũng cho thấy đây không phải lần đầu tiên một cuộc vận động hay một đợt cao điểm yêu cầu đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện được triển khai với một quyết tâm cao và thái độ kiên quyết.
Câu hỏi đặt ra là vì sao sau chừng ấy thời gian, một việc làm tưởng như là đương nhiên vì sinh mạng, sự an toàn của những đứa trẻ, “của để dành” quý báu của mỗi gia đình vẫn không được thực hiện triệt để?
Có vẻ như câu trả lời đã có ngay trong lời nhắn nhủ tới các cháu học sinh của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Các cháu hãy luôn nhớ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Các cháu nhớ đội mũ cho mình và đề nghị ông, bà, cha mẹ, những người lớn chở các cháu đi cũng phải đội mũ bảo hiểm. Các cháu chỉ ngồi lên xe khi đã được đội mũ bảo hiểm”.
Tại buổi lễ nói trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhắn nhủ các bậc phụ huynh: “Đội mũ cho con, một chiếc mũ nhỏ bé nhưng chính là nhận thức lớn của phụ huynh học sinh và cộng đồng nói chung khi tham gia giao thông. Mỗi chúng ta, mỗi bậc phụ huynh hãy coi việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình là một hành động yêu thương chứ không phải là để đối phó với các lực lượng chức năng”.
Đã là ông bà, cha mẹ, không ai là không dành cho con, cháu mình tình yêu thương cùng sự chăm chút. Rõ ràng là một việc làm ai cũng thấy cần thiết, hữu ích nhưng vẫn chưa được thực hiện như đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, bên cạnh việc xử lý thiếu kiên quyết của lực lượng chức năng, nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về các bậc phụ huynh. Một phần bởi còn khá nhiều người chưa ý thức hết sự cần thiết, phần khác nữa là do thói quen tùy tiện. Nó cũng tương tự như thói quen vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay đi xe máy trên vỉa hè...
Thực tế cho thấy, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện nay còn thấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em. Năm 2018 còn 1.442 trẻ em thương vong do tai nạn giao thông. Nhắc lại con số đau lòng ấy để bày tỏ một mong muốn: Các vị phụ huynh hãy thực hiện thật tốt một việc làm hàm chứa tình yêu thương và trách nhiệm với con em mình: Đội mũ bảo hiểm cho trẻ!