KTĐT - Kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao ở những nền kinh tế phát triển vẫn là một nhân tố bất ổn lớn đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới tham dự Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tại Mỹ đã cảnh báo rằng giá lương thực tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi có thể là những yếu tố làm chệch hướng phục hồi kinh tế thế giới sau cuộc đại khủng hoảng vừa trải qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị, Chủ tịch WB Robert Zoellick cho rằng giá lương thực tăng cao là thách thức lớn nhất mà các nước đang phát triển phải đối mặt hiện nay.
Ông Zoellick khẳng định kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao ở những nền kinh tế phát triển vẫn là một nhân tố bất ổn lớn đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Ông cho rằng cộng đồng thế giới cần đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu vì tính biến động của lương thực gây bất lợi nhiều nhất cho những người nghèo và dễ bị tổn thương.
Chủ tịch WB dẫn các số liệu từ báo cáo "Theo dõi Giá Lương thực" mới nhất WB cho biết giá cả toàn cầu tăng 10% có thể đẩy thêm 10 triệu người xuống dưới mức thu nhập bần cùng là 1,25 USD/ngày.
Ông Zoellick cũng cảnh báo rằng nếu giá dầu mỏ tăng mạnh trong thời gian dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ giảm lần lượt 0,3% và 1,2% trong các năm 2011 và 2012.
Thậm chí, diễn biến chính trị ngày một xấu tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi có thể hãm lại đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong giai đoạn này. Ông Zoellick kêu gọi WB nhanh chóng hành động nhằm giúp cải cách khu vực Trung Đông đạt được những thỏa thuận mới ổn định xã hội.
Trước đó, trong thông cáo bế mạc cuộc họp bên lề Hội nghị mùa Xuân của WB và IMF, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) thuộc IMF cũng khẳng định mặc dù đạt nhiều tiến triển trong năm 2010, song sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn những "tổn thương nghiêm trọng," đòi hỏi các nước cần thực thi các hành động tin cậy nhằm đối phó với những thách thức khác nhau.
Thông cáo nêu rõ các nước cần thực thi các hành động tin cậy nhằm nhanh chóng đối phó với các thách thức trong việc ổn định hệ thống tài chính, tình trạng nợ công, đảm bảo sự củng cố tài chính tại các nước phát triển đúng thời điểm, trong khi tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tránh tình trạng tăng trưởng quá nóng ở các nền kinh tế đang nổi cũng như việc giải quyết những nguy cơ do giá lương thực tăng cao.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho rằng các nền kinh tế đang nổi vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá nóng.
Theo ông Strauss-Kahn, ngoài vấn đề về giá lương thực và nhiên liệu leo thang thì nguy cơ lạm phát đang là một nhân tố ảnh hưởng. Ông cho rằng nếu coi đây là vấn đề nghiêm trọng thì hơi quá song nó chính là mối quan ngại xuất phát từ thực tế hầu hết các nước đang nổi đều đạt mức tăng trưởng tiềm năng. Vì vậy, nguy cơ tăng trưởng quá nóng là một thực tế.
Đồng quan điểm trên với ông Strauss-Kahn, Chủ tịch IMFC Tharman Shanmugaratnam mô tả nền kinh tế toàn cầu vẫn "mong manh," đồng thời cảnh báo nguy cơ lạm phát lan tràn tại các nền kinh tế đang phát triển đang gây ra mối đe dọa toàn cầu.
Chủ tịch IMFC cho rằng việc một số nền kinh tế đang lâm vào tình trạng tăng trưởng quá nóng, kết hợp với tăng trưởng tín dụng mạnh và tình trạng xáo trộn nguồn cung nguyên vật liệu đã làm tăng các mối quan ngại đáng kể về lạm phát cũng như nguy cơ tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu, không riêng gì các nền kinh tế đang nổi.
Trong một diễn biến khác, các nhà hoạch định chính sách của WB cùng ngày đã kêu gọi cơ quan này tăng cường sự ủng hộ đối với các quốc gia Arập tiếp sau làn sóng nổi dậy lan khắp Trung Đông.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Phát triển hỗn hợp WB-IMF khẳng định: "Những sự kiện gần đây tại các vùng ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội lâu dài và khác nhau ở mỗi nước. Chúng tôi kêu gọi WB tăng cường sự ủng hội đối với Trung Đông và Bắc Phi, hợp tác với các chính phủ và các tổ chức đa phương, khu vực và song phương hữu quan"./.