Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan với 101 trận dông lốc sét kèm theo mưa đá trên diện rộng. Thiên tai đã làm chết 19 người, hư hỏng 56.908 ngôi nhà, nhiều hoa màu, tài sản của Nhân dân.
Lũ quét, sạt lở đất được xem là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc. Trong khi đó, số liệu điều tra cho thấy tại khu vực miền núi phía Bắc có 523 điểm nguy cơ cao xảy ra lũ quét và 955 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ảnh hưởng đến 56.865 hộ dân. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp mưa lũ lớn kéo dài liên tục.
Cùng với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trường hợp xảy ra mưa lớn kéo dài kết hợp lũ thượng nguồn ngoài biên giới đổ về sẽ gây mất an toàn cho hệ thống phòng chống thiên tai. Khả năng xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn, vượt lũ lịch sử trên các tuyến sông hạ du, đặc biệt là tại 221 trọng điểm xung yếu; 269 km đê thiếu cao trình bị tràn khi có lũ.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn, Bộ NN&PTNT đề nghị cơ quan khí tượng thủy văn nâng cao độ chính xác của nhận định của dự báo dài hạn (3 tháng, 6 tháng); dự báo, cảnh báo chi tiết đến cấp xã; có dự báo ngắn hạn cho các hiện tượng mưa cực đoan. Trong năm 2021, cần nghiên cứu, bổ sung, lắp đặt các trạm đo mưa theo kế hoạch. Các chủ hồ chủ động cũng phải lắp đặt thêm các trạm đo mưa, mực nước và trang thiết bị theo dõi, giám sát hạ du hồ chứa.
Đối với các địa phương vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Bộ NN&PTNT đề nghị cần rà soát, bổ sung trang thiết bị và khẩn trương bố trí, phân bổ nhân lực, phương tiện, vật tư đến các khu vực dễ bị chia cắt bởi thiên tai để phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn dân cư, điều kiện thông tin liên lạc cảnh báo cho người dân hạ du, đồng thời, xây dựng phương án di dòi dân cư khi có tình huống xả lũ khẩn cấp.