Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1,8 tỷ người trên thế giới đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là con số được Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân thông tin tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3) diễn ra tối 22/3.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, các hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới đã tạo được những tác động lan tỏa to lớn trên khắp cả nước với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. "Phát huy những kết quả quan trọng đó, chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức: Bảo vệ nguồn tài nguyên nước nước; Bảo vệ môi trường thiên nhiên", Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã phát đi lời kêu gọi trên tại buổi Lễ kỷ niệm. 
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, năm nay, Liên Hợp quốc lựa chọn chủ đề: “Nước với thiên nhiên” cho Ngày Nước thế giới và chủ đề: “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết - Ứng phó thông minh với khí hậu” cho Ngày Khí tượng thế giới. Chủ đề của Ngày Nước và Ngày Khí tượng Thế giới năm nay một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu trong cuộc sống của con người.

Theo Liên Hợp quốc, hiện nay đang có khoảng 1,9 tỷ người đang phải sinh sống ở những vùng thiếu nước trầm trọng. Con số này có thể sẽ tăng lên khoảng 3 tỷ vào năm 2050. Trong khi, khoảng 1,8 tỷ người vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Việt Nam được biết đến là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nước chưa bền vững, nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất do ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng hiện hữu và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo thống kê, hơn 60% lượng nước ở Việt Nam được sản sinh từ nước ngoài, gây nguy cơ suy giảm, khó chủ động được về nguồn nước, gây tác động tiêu cực cho các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng hạ lưu. Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động to lớn do biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản...

Cùng với đó, mỗi năm nước ta phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, hạn hán… với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, những thách thức to lớn về tài nguyên nước nếu không có ngay những biện pháp quản lý, thích ứng phù hợp.

Để hưởng ứng Ngày Nước và Ngày Khí tượng thế giới 2018, Thứ trưởng Bộ TN&MT kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức bảo vệ nguồn tài nguyên nước nước thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất. Bảo vệ môi trường thiên nhiên, lấy các giải pháp từ tự nhiên để phục hồi, bảo tồn tài nguyên nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, suy thoái chất lượng nước. Chủ động với mọi biến động của thời tiết khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết cực đoan để giảm thiểu tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Hành động dù là nhỏ bé của mỗi người chúng ta nếu gộp lại của toàn cộng đồng, của toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả to lớn, qua đó góp phần đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trên hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Năm 2018, Bộ TN&MT xác định rõ định hướng truyền thông về tài nguyên nước, cụ thể như: Xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020. Các giải pháp tổng thể đảm bảo an ninh nguồn nước; chính sách, pháp luật, nhất là chính sách mới như thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước…

Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn: Tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Luật Khí tượng thủy văn; công tác nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, nhất là cảnh báo sớm; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống thiên tai, vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều; đầu tư phát triển mạng lưới trạm theo hướng tự động hoá, đồng bộ lồng ghép với các lĩnh vực tài nguyên môi trường khác…