Tâm trạng vui hội
Một kỷ lục được dự báo khi 24,7 triệu người - khoảng 1/5 dân số của Nhật Bản - sẽ đi du lịch, chủ yếu là trong nước, trong dịp nghỉ kéo dài từ ngày 27/4 - 6/5, khi các ngân hàng, trường học, văn phòng chính phủ và nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa. Các nhà máy bia, khách sạn, nhà bán lẻ, nhà hàng hay dịch vụ đường sắt dự báo đều được hưởng lợi từ điều này.
Khách du lịch xem hàng ngàn lồng đèn cá chép treo trên bờ sông Sagami ở Sagamihara, phía Tây Nam Tokyo ngày 3/5/2005. |
Yoshiie Horii, đại diện nhà sản xuất bia Asahi cho biết, cả nước Nhật đang trong "tâm trạng vui hội", tràn ngập mong đợi kỷ nguyên đế quốc mới bắt đầu, vì vậy "kỳ nghỉ có thể thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng".
Nhật Bản có một loạt các ngày lễ quốc gia hàng năm vào khoảng thời gian này, được gọi là Tuần lễ Vàng, tuy nhiên năm nay, chính quyền đã cho quốc gia một kỳ nghỉ dài để chào đón sự kế vị Nhật hoàng Akihito. Sau khi trị vì 31 năm, Hoàng đế Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4 và được thay thế bởi con trai Naruhito vào ngày hôm sau. Người Nhật đã lên kế hoạch du lịch hàng tháng trước đó, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các điểm đến phổ biến như Hawaii và châu Âu, trong khi các điểm trong nước được ưa chuộng là Hokkaido ở phía bắc hoặc Kyushu ở phía nam.
Các cửa hàng bách hóa ở Tokyo cũng có kế hoạch cung cấp số lượng hạn chế một số mặt hàng kỷ niệm vào ngày 1/5, bao gồm đồ ngọt truyền thống rắc vàng có biểu tượng Reiwa - tên thời đại mới đã được thông báo hôm 1/4 vừa qua. Thêm vào đó, vì quá trình chuyển đổi của kỷ nguyên được kích hoạt bởi sự thoái vị của Nhật hoàng Akihito chứ không phải sự qua đời của ông nên người dân không cảm thấy cần phải kìm nén vì thương tiếc.
Theo Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi, cú hích kinh tế dự kiến từ kỳ nghỉ dài sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP quý II và cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe một lý do khác để tiến hành tăng thuế doanh thu theo kế hoạch vào tháng 10. Koya Miyamae, chuyên gia kinh tế cao cấp của SMBC Nikko Securities cho biết, chi tiêu chung của người tiêu dùng trong 10 ngày được dự báo sẽ tăng 7,6% so với một năm trước và đóng góp 1/4 vào GDP.
Ông Kumano ước tính rằng chi tiêu du lịch trong nước sẽ tăng gần 30% so với một năm trước lên 1,48 nghìn tỷ yên (13,3 tỷ USD). Hồi tháng 3, đã có những cuộc thảo luận về vấn đề suy thoái kinh tế, nhưng chúng đã biến mất hoàn toàn sau thông báo tên kỷ nguyên mới Reiwa, và "tiếng vang vào ngày 1/5 sẽ còn lớn hơn nữa", ông Kumano nhận định.
Con dao 2 lưỡi?
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác cảnh báo rằng sự gia tăng trong tiêu dùg do kích thúch có thể theo sau bởi một sự sụt giảm nhanh chóng, khiến cho tác động không kéo dài đáng kể. Các nhà sản xuất thường không quá mong đợi vào kỳ nghỉ dài với những tác động lớn. Chẳng hạn, Toyota cho biết các nhà máy của họ thường đóng cửa 9 ngày trong Tuần lễ Vàng và nó cũng sẽ chỉ hoạt động tương tự trong năm nay.
Các công ty hệ thống máy tính và các doanh nghiệp khác có thể giảm doanh số vì hao hụt ngày làm việc. Và trong một cuộc khảo sát của Reuters với khoảng 220 công ty tại Nhật cho thấy, gần một nửa không mong đợi thời gian nghỉ dài - điều mà họ cho là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Khoảng 28% dự đoán sự sụt giảm sản lượng hoặc doanh số trong khi 1/4 dự kiến tăng.
Các nhà giao dịch thị trường tài chính lo lắng rằng việc đóng cửa 10 ngày có thể gây ra sự gián đoạn và làm mất giá đồng Yên, và thậm chí ảnh hưởng đến cả việc làm của Mỹ hay một số sự kiện quan trọng khác ở thị trường nước ngoài.
Bản chất vấn về
Sau tất cả những thành công của kế hoạch cải cách kinh tế Abenomics, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu cốt lõi là hướng đến sự hồi sinh của Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật Bản đang làm tốt hơn nhưng nó vẫn trong tạng thái vật lộn. Mục tiêu lạm phát 2% còn ngoài tầm với, và vì giá cả vẫn chậm chạp nên đầu tư kinh doanh cũng vậy.
Nợ quốc gia tiếp tục gia tăng, trong khi cải cách cơ cấu mới chỉ dừng ở mức độ hứa hẹn hơn là thực tế. Tuy nhiên, thất bại đó không có nghĩa là Nhật Bản đang trên bờ vực sụp đổ, khi thủ đô Tokyo hiện vẫn là một đô thị lấp lánh, an toàn và thượng hạng - như được minh chứng bằng số lượng sao Michelin danh giá của nó hiện đã nhiều gấp đôi so với bất kỳ TP nào khác trên thế giới.
Thế nhưng nước Nhật không thể vì thế mà chủ quan, khi Tokyo khác với toàn bộ phần còn lại của quốc gia này, phần nào cho thấy sự kết hợp của các rào cản về cấu trúc và thái độ sẽ hạn chế triển vọng tương lai của đất nước. Trở ngại thách thức nhất - nhân khẩu học - khiến Nhật Bản bị xem là quốc gia "xám nhất thế giới", khó lòng duy trì mạng lưới an toàn xã hội với một kim tự tháp bị đảo ngược và ngày càng co lại. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã chấp nhận giảm 20% dân số, đồng nghĩa với việc giữ mức 100 triệu người nhưng là giảm so với 127 triệu người hiện tại.
Nguy hiểm hơn được đánh giá lại nằm ở tư duy của người Nhật. Thành công của đất nước đã tạo ra một nền văn hóa thoải mái và tự mãn khiến cải cách bị cản trở. Chính xác hơn, Nhật Bản không phải không thay đổi, nhưng sự chuyển đổi của nó được đánh giá là chưa bắt kịp tốc độ cần thiết. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra một cảnh báo đáng chú ý, rằng GDP của Nhật Bản sẽ giảm hơn 25% vào năm 2040 nếu quốc gia không có cải cách cơ cấu, và trong trường hợp không có thay đổi, thời điểm hiện tại chính là đỉnh trước sườn đổ dốc của Nhật Bản.
Reiwa là cái tên mới mang đến những kỳ vọng về sự trở mình của đất nước, nhưng những mới mẻ thực sự sẽ chỉ xuất hiện một khi người Nhật sẵn sàng thay đổi.