Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc tuyên bố tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Đại học Việt Nam – Vương quốc Anh với chủ đề “Bối cảnh toàn cầu về quốc tế hóa giáo dục đại học – tập trung phát triển chất lượng hơn là số lượng” do Hội đồng Anh và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức ngày 30/10.
Các đối tác ký biên bản hợp tác. |
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Vương quốc Anh là điểm đến học tập hấp dẫn cho các lưu học sinh Việt Nam trong việc nâng cao kiến thức và trình độ đại học, sau đại học. “Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai bên, còn nhiều trường đại học, sinh viên Việt Nam chưa có thông tin, cơ hội tiếp cận với hệ thống các trường đại học của Anh”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Quốc tế hóa giáo dục đại học (QTHGDĐH) là phương thức giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế, học tập trao đổi kinh nghiệm để rút ngắn quá trình đổi mới giáo dục, là cơ hội xây dựng đại học xuất sắc. Đối với các cơ sở đại học, QTHGDĐH sẽ giúp nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu, cập nhật giáo trình, tăng cường khả năng tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp và giao lưu sinh viên. QTHGDĐH mang lại lợi ích không chỉ cho quốc gia đang phát triển mà mang lại lợi ích đa chiều cho cả quốc gia đang phát triển và phát triển.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và xứ Wales bên lề buổi diễn đàn, Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales Kirsty Williams cho rằng, quốc tế hóa giáo dục đại học đóng vai trò mạnh mẽ trong việc phát triển quan hệ văn hóa và ngoại giao quốc tế. “Chính phủ Wales cam kết làm việc chặt chẽ với Hội đồng Anh, và cùng phối hợp với Bộ GD&ĐT để ứng phó với những thách thức trong bối cảnh toàn cầu về quốc tế hóa giáo dục đại học – tập trung phát triển chất lượng hơn là số lượng” Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales cho biết.
Các đại biểu phát biểu tại diễn đàn. |
Trong khuôn khổ diễn đàn, một số đại biểu cũng cho rằng Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền giáo dục quốc tế mở với chỉ số hỗ trợ quốc gia về dịch chuyển sinh viên quốc tế, liên kết đào tạo và nghiên cứu là mạnh. Tuy nhiên, để xây dựng được vị thế giáo dục đại học trong khu vực và quốc tế, vấn đề chất lượng được chính phủ Việt Nam đặt lên hàng đầu và cần được cân bằng trong việc phát triển nhanh về số lượng.
“Tôi cho rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ giúp cho việc đào tạo du học tại chỗ phát triển hơn. Việc hợp tác sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn ngân sách trong vấn đề nâng cao trình độ năng lực ĐH, dạy nghề”, TS. Đặng Đức Long, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh tại Đà Nẵng chia sẻ.
Trong khuôn khổ diễn đàn, mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam – Vương quốc Anh đã chính thức được giới thiệu với mười dự án hợp tác phù hợp với bốn mục tiêu và vấn đề ưu tiên chính trong QTHGDĐH. Mạng lưới gồm có sự tham gia của 56 trường đại học, các DN của cả hai quốc gia Việt Nam và Vương quốc Anh. Hội đồng Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực quốc tế hóa giáo dục, khoa học và đổi mới sáng tạo, và thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, Donna McGowan, quốc tế hóa giáo dục đại học được xác định là một trong những chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam về giảng dạy, học tập, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.