Theo hãng tin Reuters, một lá thư do 15 quốc gia EU ký vừa được gửi tới lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC), kêu gọi khối này thực hiện biện pháp giới hạn giá với mặt hàng khí đốt, bao gồm khí đốt nhập khẩu từ Nga, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
Bức thư được gửi tới Ủy viên phụ trách Năng lượng của EU, bà Kadri Simson, nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện đang gây ra áp lực nghiêm trọng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề nghiêm trọng nhất, đó là giá bán buôn khí tự nhiên".
Bức thư được đồng ký kết bởi các nước EU gồm: Bỉ, Bulgaria, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Italia, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha.
Theo nội dung lá thư trên, các nước EU nói rằng việc giới hạn giá khí đốt sẽ giúp các quốc gia kiềm chế mức lạm phát vốn đang ở mức cao kỷ lục, và đảm bảo an ninh năng lượng của khối.
Động thái diễn ra trong bối cảnh các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ họp vào ngày 30/9 tới để thảo luận các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đang "đánh mạnh các hộ gia đình và doanh nghiệp".
Tuy nhiên, Đức, Hà Lan và Đan Mạch đã lên tiếng phản đối đề xuất này.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu do dòng chảy năng lượng từ Nga sang khu vực này giảm mạnh. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga thông báo dừng hoạt động vô thời hạn tuyến đường ống khí đốt Nord Stream hồi đầu tháng này.
Đức - nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU, lo ngại rằng việc áp đặt giá trần với khí đốt Nga sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 5/9 cho biết bản thân Đức đã bị Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt. Nước này chỉ còn nhận được một lượng khí đốt rất nhỏ qua Ukraine sau khi Gazprom đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để bảo trì. Ông Habeck không tin Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt nhiều hơn cho Đức.
Thành viên Quốc hội Đức Anna Lührmann hôm 22/9 nói với Euronews rằng việc áp giá trần với khí đốt chắc chắn sẽ khiến nguồn cung mặt hàng này tại EU thiếu hụt nghiêm trọng sau khi tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom ngừng hoạt động vô thời hạn đường ống Nord Stream 1.
"Nếu EU áp đặt biện pháp giới hạn giá với khí đốt, các nhà cung cấp sẽ có thể không chấp nhận mức giá này, như vậy thì chúng ta sẽ bị thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên hết sức thận trọng với giới hạn giá này và làm mọi cách để đa dạng hóa cơ cấu nguồn cung của mình. Điều đó sẽ giúp giải quyết các vấn đề về giá" – bà Lührmann nói.