Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2 nhà máy thủy điện tại Hà Giang thiệt hại 370 tỷ đồng do mưa lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có báo cáo tổng hợp thiệt hại sau đợt mưa lũ diễn ra tại tỉnh Hà Giang. Đáng chú ý, 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh này bị thiệt hại lớn và vẫn đang phải tạm dừng hoạt động.

 Đất đá vùi lấp một phần khuôn viên Nhà máy thủy điện Thái An. Ảnh: Ngọc Hà.
Trong đợt mưa lũ vừa diễn ra tại khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Hà Giang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài 5 người chết do sạt lở đất và lũ cuốn trôi, tại địa phương này còn ghi nhận 66 ngôi nhà sập đổ, hư hỏng và 2.800 nhà dân bị ngập.
Cùng với hàng trăm héc-ta cây trồng bị ngập, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông qua địa bàn các huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Bắc Quang, Quản Bạ cũng đã bị sạt lở. Đất đá vùi lấp nhiều đoạn tuyến và công trình dân sinh. Ước tính thiệt hại về nhà ở, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông nghiệp vào khoảng 125 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mưa lũ diễn ra những ngày qua đã khiến 2 nhà máy thuỷ điện: Thái An (huyện Quản Bạ) và Thuận Hoà (huyện Vị Xuyên) bị đất đá vùi lấp hệ thống máy móc, hiện đang phải tạm dừng hoạt động để khắc phục hậu quả. Ước tính giá trị thiệt hại của 2 nhà máy thủy điện Thái An và Thuận Hòa lần lượt là 350 tỷ và 20 tỷ đồng.
Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, trước thiệt hại nặng nề của mưa lũ tại tỉnh Hà Giang, ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Hà Giang và các bộ ngành khẩn trương khắc phục hậu quả.
Ngày 22/7, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã đi khảo sát thực địa tại tỉnh. Tại buổi làm việc tối 22/7, Ban Chỉ đạo đề nghị chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra đợt mưa lũ tiếp theo.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần tổ chức triển khai lực lượng xung kích cơ sở kiểm tra rà soát các ngầm tràn, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét sạt lở đất để canh gác, cảnh báo, khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát các điều kiện vận hành xả lũ, phương án đảm bảo an toàn đập và hạ du, đặc biệt với các hồ thủy điện nhỏ và hồ thủy lợi xung yếu. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đối với các rủi ro thiên tai...