KTĐT - Trung tâm Internet quốc gia Trung Quốc (CNNIC) hồi tháng 12/2009 đã công bố số liệu cho biết, có hơn 87 triệu người nước này thực hiện việc mua sắm qua mạng Internet.
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc bên cạnh những bước tiến về ứng dụng Internet, mua sắm hàng hoá trực tuyến đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân nước này. Vì vậy, ngày càng nhiều người xem mua hàng online như một việc thường nhật và cũng từ đó nhiều người đã "ăn nên làm ra" nhờ bán hàng qua mạng.
Những “tín đồ” mua sắm trực tuyến
Shi Fang, 28 tuổi, một nhà văn sống ở Bắc Kinh cho biết: cô dành trung bình hơn 4.000 Nhân dân tệ (tương đương hơn 10 triệu đồng) để mua sắm trong một tháng, nhưng cô lại ít khi tới các trung tâm mua sắm để mua những thứ mình cần. Bởi, ngày nay mua bán trực tuyến trở nên phổ biến với việc phổ cập Internet rộng rãi.
Shi Fang cho rằng: “Tại sao bạn lại phải cần một trung tâm mua sắm nếu bạn biết đến Taobao. Tôi là một "tín đồ" của Tabao đấy”.
TaoBao.com hiện là trang mua bán trực tuyến lớn nhất tạị Trung Quốc, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người thích mua sắm trực tuyến như Shi Fang. Cô dành một nửa số tiền lương hàng tháng và đăng nhập vào trang web Taobao.com hàng ngày, ngay cả khi cô không có mục đích là mua hàng. Theo Shi Fang, thói quen đó là để “cập nhật những hàng hoá mới”.
Một phụ nữ Trung Quốc truy cập Taobao.com mua hàng trực tuyến (Ảnh minh hoạ) |
Hầu hết, những người mua sắm qua mạng là sinh viên hoặc công nhân độ tuổi từ 18 đến 30, thu nhập trung bình hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ (gần 3 triệu đồng). Phụ nữ thường mua sắm qua mạng nhiều hơn nam giới. Hàng hoá chủ yếu được các “tín đồ” lựa chọn là quần áo và đồ gia dụng.
Theo ước tính của các nhà phân tích, con số chi cho mua hàng qua mạng trong năm 2010 là hơn 250 tỷ nhân dân tệ (tương đương 625 ngàn tỷ đồng) và trong đó 80% được thực hiện thông qua trang web Taobao.com. Đây là Website được đánh giá phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc, mặc dù nó mới ra đời từ năm 2003.
Taobao trong tiếng Trung Quốc nghĩa là “Tìm kiếm kho báu”, thuộc sở hữu của Alibaba Group đồng thời là công ty mẹ của trang web Alibaba.com, một trang Web thương mại điện tử toàn cầu dành cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ.
Shi Fang chỉ là một trong 159 triệu người đăng ký mua hàng qua Taobao.com. Ở đó, cô có thể tỉm thấy mọi thứ từ đồ lót đến đồ gỗ, keo cho tới DVD. Sức hấp dẫn với cô và những người khác là giá cả tương đối thấp so với các hàng hoá trực tuyến cũng như những đồ bán ở địa phương.
“Tôi mua ba sản phẩm hết 204 nhân dân tệ (hơn 510.000 đồng), cộng với khoản chi phí giao hàng 12 nhân dân tệ (30.000 đồng). Tôi đã tiết kiệm được1.464 nhân dân tệ (hơn 3,5 triệu đồng) cho sản phẩm cùng chất lượng và mẫu mã”, Shi Fang nhẩm tính. “Bạn có thể kiểm tra thông tin một cách dễ dàng, điều tuyệt vời là những người quản lý sẽ nhận ra bạn khi trao đổi qua messenger, thậm chí còn được giảm giá các hàng hoá khi mua”.
Dương Phi, một “tín đồ” khác của TaoBao.com nhưng cô không được may mắn như Shi Fang. Bởi, công ty của cô đã chặn Taobao trong giờ làm việc, điều này xuất phát từ việc các nhân viên thường tranh thủ tìm kiếm sản phẩm trên mạng.
Dương Phi chia sẻ: “Bây giờ tôi chỉ có thể truy cập Taobao.com vào buổi trưa và phải thực hiện các lệnh mua thật nhanh chóng”.
Nhờ những người mua sắm như Shi Fang Fei hay Dương Phi, Taobao.com đã đạt doạnh thu 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 500.000 tỷ đồng), còn con số này trong năm 2010 được ước tính sẽ là 400 tỷ nhân dân tệ (hơn 800.000 tỷ đồng).
Giáo sư Lu Ben Fu, một chuyện gia về kinh tế Internet tại trường quản lý thuộc Học viện khoa học Trung Quốc cho biết “Mua sắm trực tuyến tạo nền tảng thuận lợi và khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng. Đặc biệt, là thích hợp với các trung tâm kinh tế lớn hiện nay. Nền kinh tế Internet của Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng, chứng tỏ sự tự tin cũng như chịu đựng được cuộc khủng kinh tế toàn cầu và hứa hẹn sẽ đưa lại nhiều lợi nhuận đáng kể”.
Cách làm ăn mới
Cũng chính nhờ mua sắm trực tuyến mà nhiều người đã có cách làm ăn mới.
Rong Rong, 37 tuổi, một người tham gia mạng mua sắm Taobao.com đã mở một cửa hàng ảo trên mạng từ năm 2004, những ngày đầu tiên chính cô là người phân phối và đóng gói toàn bộ. Bây giờ, cô có một kho với 4 sản phẩm dùng chăm sóc tóc và thuê 3 nhân công. Nhờ vậy, cô đã sở hữu một căn hộ đẹp giá 720.000 Nhân dân tệ (hơn 1,8 tỷ đồng) và một chiếc xe hơi hãng Honda giá 200.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng).
Rong cho biết thêm: “Công việc bận rộn suốt ngày, bởi trung bình một ngày có hơn 100 bưu kiện đặt hàng của khách phải chuyển đi. Số lượng khách hàng đã mua hàng lên tới hơn 50 ngàn người. Khối lượng giao dịch tăng 50% mỗi năm và lợi nhuận tăng 10%”.
Nhiều người kiếm "bộn tiền" nhờ bán hàng qua mạng Internet (Ảnh minh hoạ). |
Đã từng làm chủ một salon làm tóc, thế nhưng Rong đã bán nó và chuyển thời gian của mình vào kinh doanh trong cửa hàng ảo trên Taobao. Vì vậy, lợi nhuận so với làm tại salon tóc tăng gấp 3 lần.
Chia sẻ với phóng viên Tân Hoa Xã, khi cô đang đóng gói sản phẩm, Rong nói: "Sản phẩm của tôi không phải giá thấp nhất nhưng số lượng lại bán được nhiều nhất. Muốn làm được điều đó, bạn phải tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Chú ý tư vấn về sản phẩm phù hợp với tình trạng tóc của họ".
Cha của Rong Rong cũng tham gia việc mua bán trực tuyến qua mạng Internet. Rong chia sẻ: “Tôi phải làm vịệc từ 10 giờ sáng đến tận nửa đêm, công việc giải trí duy nhất là đi bộ nửa giờ sau khi ăn trưa. Nhưng tôi sẽ tiếp tục kinh doanh, không gì có thể đánh bại được niềm vui mà tôi đã tìm thấy ở doanh nghiệp của mình từ những ngày đầu”.
Sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc đã được ghi nhận thông qua những thương hiệu trong và ngoài nước.
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng có hẳn một cửa hàng sách ảo trên Taobao.com để giới thiệu những cuốn sách mà bạn đọc quan tâm.
Một cái tên trong làng may mặc Nhật Bản là UNIQLO cũng đã “xây" một cửa hàng ảo trên Taobao vào tháng 4/2009.
Còn China Eastern, môt công ty hàng không hoạt động tại Thượng Hải cũng sẽ sớm mở văn phòng vé ảo tại Taobao để tạo thuận lợi cho khách hàng.
Ông Mã Vân, giám đốc điều hành của Alibaba Group cho biết: “Trong năm 2010, chiến lược của tập đoàn là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thông qua việc giúp các công ty bán sản phẩm trực tuyến của họ trên trang Taobao.com”.
Để loại bỏ những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, công ty đã chi 100 triệu Nhân dân tệ trong một chiến dịch để đối phó với hàng giả. Hàng trăm cửa hàng trên trang Web đã bị đóng cửa khi những sản phẩm giả mạo bị liệt kê vào danh sách đen.
Ông Giang Qiping, Tổng thư ký Trung tâm nghiên cứu thông tin thuộc viên khoa học xã hội Trung Quốc cho răng: Một nền kinh tế Internet với sự tin cậy cao là trách nhiệm ở những công ty làm thương mại điện tử.
Một làn sóng mua hàng trực tuyến đang dần hình thành ở một nền kinh tế phát triển nhanh như Trung Quốc. Dịp Tết Nguyên đán truyền thống đang tới gần, Shi Fang đang hết sức bận rộn với việc chọn quà cho người thân và bạn bè; còn Rong Rong sẽ tiếp tục thúc đấy việc kinh doanh của mình trên Taobao trong năm nay để đạt được hiệu quả cao hơn.
Theo con số năm 2009, trong số 2 tỷ bưu kiện đã vận chuyển trên toàn Trung Quốc thì có tới 1 tỷ 200 triệu (chiếm gần 3/4) bưu kiện có nguồn gốc từ Taobao. "Vì lẽ đó, chúng tôi đang lập kế hoạch để cung cấp những kinh nghiệm mua hàng trực tuyến cho một tỷ người trên toàn cầu. Tao bao sẽ là cái tên không ai thay thế được trong vòng 10 năm tới", ông Mã Vân tự tin khẳng định.