70 năm giải phóng Thủ đô

2024 là 'năm hạn' của các đại nhạc hội?

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với một loạt sự kiện lớn nhỏ liên tục “ngắt mic, hủy show”, có lẽ không quá khi nói rằng 2024 là năm thoái trào của các đại nhạc hội.

Desert Daze ở bang Nam California; Sierra Nevada World Music Festival ở Bắc California; Kickoff Jam ở Florida … chỉ là một vài trong vô số đại nhạc hội phải thông báo hủy diễn ở Mỹ từ đầu năm đến nay.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Một thống kê cho thấy có hơn 60 đại nhạc hội bị hủy ở Anh chỉ riêng trong năm nay. Ở Australia, nhiều đêm nhạc ngưng tổ chức đến nỗi một tạp chí của nước này phải đặt câu hỏi, "Phải chăng các đại nhạc hội ở Australia đã “tuyệt chủng”?"

Khó khăn cũng bủa vây cả những sự kiện từng “cháy vé” chỉ sau vài phút. Đại nhạc hội Burning Man lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ không thể bán hết vé, trong khi Coachella – sự kiện nhạc thường niên có lượng người tham dự đông nhất khu vực Bắc Mỹ, chứng kiến ​​doanh số bán vé giảm tới 15% so với năm ngoái.

Nhiều đại nhạc hội đã phải hủy tổ chức trong năm nay ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa: Medium
Nhiều đại nhạc hội đã phải hủy tổ chức trong năm nay ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Ảnh minh họa: Medium

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái này, như chi phí tổ chức tăng vọt trong khi nhu cầu người mua lại giảm mạnh. Bên cạnh đó, những thay đổi trong cách tiếp cận các phương tiện nghe/nhìn khiến ngày càng nhiều người trẻ không còn mặn mà với các sự kiện âm nhạc ngoài trời so với thế hệ trước.

‘Đau đầu' vấn đề thu chi

Năm ngoái, từng có một số tín hiệu cho thấy hoạt động lễ hội sẽ khởi sắc trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng trên thực tế, bầu không khí ở thời điểm hiện tại vẫn vô cùng ảm đạm.

Will Page - cựu trưởng ban kinh tế của nền tảng nhạc số Spotify, đã hé lộ một phần nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái trên dựa theo kết quả các khảo sát tại Anh.

Theo đó, tổ chức một nhạc hội ngay từ đầu đòi hỏi một khoản chi phí khổng lồ, trong khi chỉ có tiền bán vé và các nguồn doanh thu khác tại sự kiện mới giúp các nhà tổ chức hòa vốn. Đó là lý do chính khiến tổ chức đại nhạc hội bị xem là một ngành kinh doanh rủi ro với lợi nhuận rất thấp.

Tăng giá vé thường được xem là phương pháp sinh lời hữu hiệu trong giai đoạn bùng nổ các sự kiện âm nhạc trước đại dịch Covid-19. Song gần đây, nhiều đơn vị tổ chức nhạc hội đang do dự khi làm việc này do nhận thấy lượng người mua suy giảm.

“Tôi cho rằng các bên quảng bá có phần e ngại rủi ro khi đẩy giá vé quá cao, nhất là khi chúng ta vừa thoát khỏi đại dịch”, ông Page cho hay. “Tuy nhiên, sự do dự này sẽ bị nhấn chìm bởi sự chi phí sản xuất khổng lồ, và đó là khi họ (các nhà tổ chức) bị cuốn vào giữa làn lửa đạn”. Nhiều đại nhạc hội buộc phải hủy bỏ do gặp khó khăn trong việc cân bằng các vấn đề thu chi như vậy.

Nhiều đơn vị tổ chức nhạc hội đang do dự việc tăng giá vé khi nhận thấy lượng người mua suy giảm. Ảnh minh họa: Chattanooga Times Free Press
Nhiều đơn vị tổ chức nhạc hội đang do dự việc tăng giá vé khi nhận thấy lượng người mua suy giảm. Ảnh minh họa: Chattanooga Times Free Press

Vật giá và chi phí sinh hoạt tăng cao cũng khiến người tham dự đại nhạc hội trở nên “thắt lưng buộc bụng” hơn. Họ giảm đáng kể số nhạc hội sẽ tham gia trong năm và chỉ đến những sự kiện được họ xem là ưu tiên hàng đầu.

Điều này, theo người phát ngôn của Live Nation- công ty kinh doanh các loại hình giải trí trực tiếp lớn nhất thế giới, khiến tính cạnh tranh trong thị trường các sự kiện âm nhạc trực tiếp trở nên vô cùng khốc liệt. Trong đó, chỉ những sự kiện có địa điểm lý tưởng, thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi và có bản sắc rõ ràng mới có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Một thế hệ 'lo âu'

Will Page cũng cho rằng, sự gia tăng các phương tiện phát nhạc trực tuyến dù giúp người nghe truy cập không giới hạn vào kho tàng âm nhạc trên thế giới, nhưng các thuật toán của chúng ngày càng khiến thính giả chỉ muốn thưởng thức lại những thứ họ đã nghe. Việc thuật toán của hầu hết nền tảng nhạc số đều đồng nhất các bài nhạc với thị hiếu người dùng có thể khiến họ thờ ơ với sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ, thể loại mà họ chưa từng nghe đến.

Ngoài ra, sự thay đổi thế hệ cũng gây ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia các lễ hội âm nhạc. Trong thời kỳ bùng nổ các đại nhạc hội từ năm 2010 đến 2020, thế hệ Thiên niên kỷ, khi đó chủ yếu ở độ tuổi thiếu niên và 20, trở thành đối tượng mua vé nòng cốt của các sự kiện này, do tâm lý ưa khám phá, trải nghiệm hơn các nhu cầu vật chất.

Tuy nhiên, mọi thứ đã đạo chiều đối với thế hệ Z. Nhà tâm lý xã hội Jonathan Haidt gọi đây là "thế hệ lo âu", và lập luận rằng ảnh hưởng từ mạng xã hội và thiết bị điện tử khiến phần lớn người trẻ thuộc thế hệ Z sống khép kín và "cô độc" hơn. Do đó, họ ít hứng thú hơn với việc tham gia các đại nhạc hội— một hoạt động mang tính xã hội sâu sắc — so với các thế hệ trước.

Anh hưởng từ mạng xã hội và thiết bị điện tử khiến phần lớn người trẻ thuộc thế hệ Z sống khép kín và ít tham gia các đại nhạc hội hơn. Ảnh minh hoạc: YPulse
Anh hưởng từ mạng xã hội và thiết bị điện tử khiến phần lớn người trẻ thuộc thế hệ Z sống khép kín và ít tham gia các đại nhạc hội hơn. Ảnh minh hoạc: YPulse

Bên cạnh đó, những người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ khi già đi sẽ dành phần lớn thời gian cho gia đình và nghề nghiệp. Khả năng tham dự những đại nhạc hội kéo dài nhiều ngày của họ cũng vì thế mà giảm đi.

Tuy nhiên, điều thú vị là một số đại nhạc hội có tiếng tăm, được cho là phục vụ các đối tượng lớn tuổi vẫn hoạt động tốt. Chẳng hạn, Đại nhạc hội Jazz Newport dễ dàng bán sạch vé trong cả 3 đêm diễn dù có tuổi đời hoạt động tới 30 năm.

Vì vậy, bất chấp tình cảnh suy thoái, vẫn sẽ tồn tại một số thị trường và tệp khách hàng tiềm năng để các đại nhạc hội được khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng đối với những người tổ chức là: Thị trường đó thực sự sẽ lớn đến mức nào?