Những tín hiệu lạc quan
Từ đầu năm 2024, cận dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều tin vui đến ngành lúa gạo Việt Nam khi nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ về xuất khẩu gạo đã được ký kết.
Đầu tiên là 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 10/17 gói thầu, cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Đây là những hợp đồng xuất khẩu gạo mở đầu cho năm mới Giáp Thìn. Với hợp đồng này, những người trồng lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có động lực lớn để bắt đầu cho vụ thu hoạch vụ Đông Xuân.
Dự kiến số hàng này sẽ giao cho Indonesia ngay sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt nhất, phía Indonesia đang có kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm 2024.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2024 Hàn Quốc có thể tổ chức 9 lần mở thầu để nhập khẩu gạo từ một số nước trên thế giới, tuỳ thuộc vào tình hình nguồn cung trong nước. Trong đó, quốc gia này dành cho Việt Nam tổng lượng hạn ngạch là 55.112 tấn.
Việc Hàn Quốc thông báo về hạn ngạch nhập khẩu gạo sớm sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn và có cơ hội thúc đẩy gạo chất lượng cao sang thị trường Hàn Quốc trong năm nay.
Năm 2023, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam chiếm 85%. Sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, đạt hơn 2,3 tỷ USD. Gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới.
Tin vui nữa là những ngày đầu tháng 2, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ bán 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm cho Philippines trong 5 năm. Philippines đang là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2024 khi nước này công bố nhu cầu nhập khẩu kỷ lục là 3,8 triệu tấn gạo/năm. Hiện gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của thị trường nhập gạo của Philippines.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng chia sẻ đang nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác Phillippines ngay từ đầu năm.
Nhu cầu gạo thế giới vẫn ở mức cao
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Ấn Độ, nơi cung ứng tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp gạo đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, Báo cáo "Triển vọng hàng hóa toàn cầu" do World Bank công bố cũng nhận định: giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025 do hạn chế xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất lớn và mối đe dọa kéo dài của hiện tượng El Nino. Cụ thể, giá nông sản được dự báo sẽ giảm 7% vào năm 2023 và thêm 2% vào năm 2024 và 2025 nhờ nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, ngược lại thì giá gạo vẫn tăng. Giá gạo toàn cầu trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân do mối đe dọa từ El Nino và các chính sách hạn chế xuất khẩu từ các nguồn cung lớn cũng như tăng nhập khẩu từ các nước có nhu cầu cao.
Trước những dự báo về giá gạo sẽ còn cao trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.
“Thực tế, năm 2023, thị trường lương thực toàn cầu biến động bất thường, gồm bất lợi của thời tiết làm giảm sản lượng, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhưng với sự điều hành linh hoạt, hợp lý của Chính phủ, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội lớn để cung cấp gạo cho toàn thế giới, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đáng ghi nhận, trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, cơ hội tăng giá trị hạt gạo Việt đang hiện hữu ngay trước mắt. Nông dân Việt Nam tiếp tục kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn để năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng và bứt phá trong xuất khẩu gạo, từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập.