Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 mục tiêu phát triển của Bảo hiểm tiền gửi

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Theo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022, mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chiến lược cũng quy định, đến năm 2025, phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc. Từ đó, giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.

Mục tiêu tổng quát phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến 3 vấn đề. Đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Luật Bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam thực hiện theo hình thức bắt buộc. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải trích một phần chi phí hoạt động để mua bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của các khách hàng cá nhân gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng đó; bao gồm các loại tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trên thế giới, một số quốc gia cũng áp dụng mô hình bảo hiểm tiền gửi bắt buộc giống như Việt Nam, nhưng cũng có một số nước sử dụng mô hình bảo hiểm tiền gửi tự nguyện.

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền với số tiền gửi được bảo hiểm là gần 7 triệu tỷ đồng, tại 1.283 tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Số liệu mới nhất từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đến hết quý II/2022, kết quả thu phí và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi góp phần nâng tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt hơn 88.000 tỷ đồng, trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 82.000 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, số tiền tối đa tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng, sau khi đã nâng từ 50 triệu (năm 2005), 75 triệu đồng (năm 2017).

Hạn mức Bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền là công cụ quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền khi tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Hạn mức Bảo hiểm tiền gửi càng cao càng giúp nâng cao niền tin của người gửi tiền đối với ngân hàng và hạn chế hiện tượng đột biến rút tiền gửi.

Vấn đề tiếp theo là nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, bao gồm chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.