Đó là trăn trở của nhiều đại biểu tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột?” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 5/12.
Nguồn lực quan trọng phát triển đất nước
Phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ lớn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm trong thời gian qua. Mới đây nhất, ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa giúp đột phá trong việc phát triển đất nước. Trong một thời gian dài, chúng ta chưa đủ coi trọng văn hóa, chỉ xem là cờ, đèn, kèn, trống, không tạo lợi nhuận, không trực tiếp tạo ra vật chất cho xã hội.
Tuy nhiên, sản phẩm văn hóa thực chất là hàng hóa. Hàng hóa thì phải vận động theo thị trường, chú ý đến công chúng, phát triển thương hiệu, tập trung nhiều phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra lợi nhuận, dịch vụ văn hóa. “Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm văn hóa tuân theo kinh tế thị trường mới bền vững. Thế giới vận hành dựa trên những ý tưởng mới, vì vậy, công nghiệp nội dung, công nghiệp sáng tạo cực kỳ phát triển" – PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động dẫn chứng, riêng nhóm nhạc BTS mang lại 5 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc từ việc khán giả sưu tập ảnh, mua album, tham dự đêm nhạc và nhiều sản phẩm khác... Đây là nguồn thu không hề nhỏ. “Dân số chúng ta đông hơn Hàn Quốc, thế thì tại sao chúng ta không làm? Nền kinh tế đa lợi ích, không chỉ vật chất mà còn cái khác" - TS Tô Đình Tuân nói.
Cơ chế là vấn đề đầu tiên
Theo đạo diễn Lê Quý Dương - Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới (IKFCPC/ITI), để phát triển công nghiệp văn hóa, trụ cột đầu tiên cần phải bàn tới là vấn đề cơ chế. Từ rất nhiều năm qua, chúng ta phát triển theo hướng phong trào văn hóa thay vì đời sống văn hóa. Đây là cơ chế không phù hợp với công nghiệp văn hóa hiện tại.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng, chúng ta xử lý kinh phí cho văn hóa chưa đúng, không mang lại sức bật cho ngành công nghiệp văn hóa. Dẫn chứng từ cách làm của Australia, theo đạo diễn Lê Quý Dương, tất cả chương trình của Australia hoặc của từng bang nước này đều là mở ra cơ hội công bằng cho tất cả đơn vị, cá nhân hoạt động trong văn hóa, nghệ thuật.
"Công bằng tạo ra môi trường hoàn toàn bình đẳng. Các sân khấu tham gia "đấu thầu", đăng ký để được duyệt dự án được cơ quan chức năng ấn hành hàng năm. Dự án phải hiệu quả, đi vào lòng công chúng chứ không phải nhà nước tài trợ một năm chừng đó tiền cho nhà hát mà hoạt động không hiệu quả. Nước ngoài không có chuyện một năm nhà hát nhận chừng đấy tiền mà không có dự án nào đi vào lòng công chúng" – đạo diễn Lê Quý Dương nói.
Cũng liên quan đến vấn đề cơ chế, CEO Công ty IME Việt Nam Phạm Đình Tâm cho biết: "Làm việc với các đối tác nước ngoài, họ ngần ngại, chưa yên tâm khi được mời biểu diễn tại Việt Nam vì có quá nhiều thủ tục cần được cơ quan chức năng thông qua".
Còn đạo diễn Trần Được - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng mong muốn có cơ chế đặc thù cởi mở hơn cho các nghệ sĩ xuất khẩu lao động về văn hóa nghệ thuật. Đây là những vấn đề cần được tháo gỡ để tạo hành lang thông thoáng cho nghệ thuật biểu diễn.
Thực tế, trong Chỉ thị số 30/CT-TTg, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.
Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới
Theo các chuyên gia, công nghiệp văn hóa không chỉ nhằm mục đích bán ra sản phẩm nghệ thuật, mà thông qua sản phẩm đó giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nhà sản xuất, TS Đỗ Tiến nêu vấn đề: "Giá trị cốt lõi của phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển giá trị văn hóa dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. Có thể thấy, chúng ta có thể kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền từ văn hóa. Tuy nhiên, một số bộ phim điện ảnh hiện nay chưa mang lại giá trị văn hóa tối đa. Vấn đề đặt ra là việc kiểm duyệt kỹ hơn các sản phẩm về văn hóa, làm sao mang đến cho công chúng cái nhìn tích cực, rộng mở về văn hóa dân tộc".
CEO The First Management Nguyễn Hữu Anh nêu ví dụ điển hình về trường hợp ca sĩ Chi Pu khi tham gia chương trình Đạp gió 2023 (Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng mùa 4) tại Trung Quốc, trong việc mang văn hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Hữu Anh chia sẻ: "Chúng tôi vừa phải cân đối nghệ sĩ thể hiện tốt nhất, vừa nỗ lực quảng bá văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới thông qua một chương trình truyền hình thực tế có lượng khán giả đông đảo, bằng việc hát bằng 3 thứ tiếng (Việt, Anh, Trung) trong phần trình diễn đầu tiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng mang đến những chiếc áo dài làm quà tặng hay mặc những bộ trang phục của nhà thiết kế Việt Nam…".
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, công nghiệp văn hóa là làm cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp hơn, đi đúng theo quy luật thị trường. Trong đó, lấy con người là trung tâm của công nghiệp văn hóa, coi công nghiệp văn hóa là một phần trong sự phát triển văn hóa, kinh tế của đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, có ba trụ cột chính để phát triển công nghiệp văn hóa là thể chế, hạ tầng và con người. Trong đó, thể chế là quan trọng nhất và đang dần dần được tháo gỡ. Vấn đề hạ tầng cũng quan trọng không kém và con người là yếu tố giúp cho phát triển công nghiệp văn hóa thành công.