Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

31 nước tham gia thỏa thuận chống trốn thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 31 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 27/1 đã nhất trí về một thỏa thuận chống chốn thuế xuyên quốc gia.

Tập đoàn Google đang bị một loại quốc gia "đòi thuế".
Tập đoàn Google đang bị một loại quốc gia "đòi thuế".
Theo OECD ước tính, mỗi năm các nước thất thoát 100-240 tỷ USD vì hành vi trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, tương đương 4-10% nguồn thu thuế toàn cầu.

Thỏa thuận này được thúc đẩy tại cuộc họp G20 năm ngoái. Tổng thư ký OECD, bà Angel Gurria khẳng định “thỏa thuận này sẽ ngay lập tức tạo động lực cho các hợp tác quốc tế về thuế vụ, thông qua việc minh bạch hóa hoạt động của các siêu tập đoàn”.

Theo đó, thỏa thuận này sẽ ngăn chặn hành vi trốn thuế của các tập đoàn xuyên quốc gia thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin hoạt động và mức lợi nhuận.

Ngăn chặn chuyển lợi nhuận

Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn các tập đoàn chuyển lợi nhuận từ quốc gia có mức thuế DN cao đến quốc gia có mức thuế DN thấp để trốn thuế. Thêm vào đó, các nước cũng đạt thỏa thuận về một số tiêu chuẩn thuế chung.

Như vậy, những tập đoàn xuyên quốc gia như Goolge, Amazon và Facebook giờ phải trả thuế tại những quốc gia sản sinh lợi nhuận. Các tập đoàn quốc tế phải thông tin về các hoạt động kinh doanh và mức lợi nhuận cho quốc gia nơi đặt chi nhánh kinh doanh, từ đó làm cơ sở cho các cơ quan tận thu thuế.

EU bắt đầu mở chiến dịch chống trốn thuế quyết liệt từ tháng 11/2014 kể từ sau vụ bê bối “Rò rỉ Luxembourg”. Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) về hồ sơ của “thiên đường thuế” Luxembourg cho thấy những tập đoàn hàng đầu thế giới,  như Pepsi hay Ikea đã bí mật ký các thỏa thuận ưu đãi thuế với chính quyền nước này.

Hàng ngàn DN chỉ đăng ký trụ sở trên danh nghĩa ở Luxembourg, qua đó hưởng mức thuế vỏn vẹn 1%. Vụ bê bối này là cú đòn nặng giáng vào uy tín của ông Jean-Claude Juncker, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC), từng giữ chức Thủ tướng Luxembourg suốt gần 20 năm.

Các đề xuất đưa ra thuộc thỏa thuận nói trên thuộc kế hoạch 15 điểm mà các nhà lãnh đạo OECD nhất trí tại hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015.

Google bị đòi thuế đồng loạt

Cùng thời điểm OECD công bố thỏa thuận chống trốn thuế, tập đoàn công nghệ Mỹ Google tuyên bố sẽ đóng 185,4 triệu USD cho chính phủ Anh để dàn xếp cáo buộc trốn thuế nước này đưa ra.  

Điều tra của Anh cho thấy nhờ thủ đoạn chuyển lợi nhuận, Google chỉ phải đóng thuế với mức 3% ở Anh so với mức thuế thu nhập DN của nước này năm 2015-2016 là 20%. Trong cuộc điều trần của Thủ tướng Anh Cameron hôm 27/1 trước quốc hội, các nghị sĩ Anh vẫn cho rằng con số 185,4 triệu USD mà Google phải đóng là quá thấp.

Ngay sau đó, truyền thông thế giới đưa tin một loạt quốc gia châu Âu như Ý và Pháp cũng siết chặt vòng vây với Google. Cơ quan thuế vụ Ý khẳng định, Google sẽ phải đóng khoản thuế tương đương 15% lợi nhuận. Trong khi, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng tuyên bố Google cần phải đóng trả thuế ở Pháp, ướ tính 545 triệu USD.