Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành công nghiệp LNG của Nga sẽ sụp đổ trước sức ép trừng phạt từ Mỹ?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia Nga cho rằng, lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt có thể gây khó khăn cho dự án LNG-2 Bắc Cực, song Washington không thể "giết chết hoàn toàn ngành công nghiệp LNG của Nga".

Dự án xây dựng nhà máy LNG tại Belokamenka,  gần Murmansk ở vùng Bắc Cực của Nga. Ảnh: Novatek
Dự án xây dựng nhà máy LNG tại Belokamenka,  gần Murmansk ở vùng Bắc Cực của Nga. Ảnh: Novatek

Chuyên gia cấp cao Stanislav Mitrakhovich của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga nói với đài Sputnik rằng, Mỹ đang nỗ lực hết sức nhằm cản trở dự án LNG-2 của Nga tại Bắc Cực trước hết vì hai nước vẫn là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" trong lĩnh vực khí đốt.

"Cả Nga và Mỹ đều là các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Không những vậy, cả hai nước còn là đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường dầu mỏ. Dầu của Mỹ có thể thay thế dầu thô của Nga bằng cách nào đó. Đối với LNG, Washington cũng có kế hoạch tăng mạnh sản lượng nhiên liệu này trong 10 năm tới” - chuyên gia Mitrakhovich nói.

Cho đến nay, hoạt động sản xuất tại mỏ khí đốt cung cấp cho dự án LNG-2 ở Bắc Cực đã bị đình chỉ và “người Mỹ đang cố gắng trì hoãn việc hoàn thành dự án này càng lâu càng tốt”.

Tuy nhiên, chuyên gia Mitrakhovich nhận định rằng người Mỹ không thể "giết chết hoàn toàn ngành công nghiệp LNG của Nga". Theo ông Mitrakhovich, lĩnh vực LNG của Nga vẫn còn nhiều cơ hội phát triển khi nước này không phải phụ thuộc vào phương Tây về cơ sở khoa học và kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Moscow hoàn toàn có thể hợp tác với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, như Trung Quốc, để vượt qua sức ép từ các lệnh cấm vận của phương Tây.

Về vấn đề tài chính, Nga được hưởng lợi từ xuất khẩu dầu mỏ, nhờ đó có thể tái trang bị công nghệ thay thế nhập khẩu và tạo ra các cơ sở sản xuất LNG mới.

LNG-2 Bắc Cực là dự án LNG thứ ba của Nga. Dự kiến, sau khi hoàn thành, LNG-2 Bắc Cực sẽ bao gồm 3 dây chuyền sản xuất khí hóa lỏng với công suất 19,8 triệu tấn LNG mỗi năm.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Tài nguyên Năng lượng Geoffrey Pyatt trước đó công bố kế hoạch của Washington nhằm ngăn chặn dự án LNG-2 Bắc Cực thông qua các lệnh trừng phạt phối hợp với các nước G7 và các đồng minh khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/5 vừa qua đã công bố lệnh trừng phạt đối với 4 công ty và 16 tàu có liên quan đến dự án LNG-2 Bắc Cực thuộc công ty Novatek của Nga. Hai trong số các công ty bị trừng phạt có đặt trụ sở ở nước ngoài.

Các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ đối với dự án LNG 2 Bắc Cực vào tháng 4 vừa qua cũng buộc Novatek, nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga, phải đình chỉ sản xuất do dự án thiếu tàu chở nhiên liệu.

Bốn lý do khiến Mỹ quyết tâm “tấn công” LNG của Nga

Theo trang Oilprice, có 4 lý do chính khiến Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ ý định gây sức ép tối đa đối với ngành LNG của Nga.

Lý do đầu tiên là LNG đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng nhất trong một thế giới ngày càng nhiều bất ổn địa chính trị. Không giống như dầu hoặc khí được vận chuyển qua đường ống, LNG không cần nhiều thời gian và chi phí lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển.

Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ ý định gây sức ép tối đa đối với ngành LNG của Nga. Ảnh: Highnorthnews.com
Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ ý định gây sức ép tối đa đối với ngành LNG của Nga. Ảnh: Highnorthnews.com

Bên cạnh đó, LNG có thể được vận chuyển và di chuyển đến bất cứ địa điểm nào trong vòng vài ngày và được mua thông qua các hợp đồng ngắn hạn, dài hạn hoặc ngay lập tức trên thị trường giao ngay.

Quyết tâm không để các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khuất phục trước Nga do quá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow là lý do thứ hai khiến Mỹ nhắm mục tiêu trừng phạt lĩnh vực LNG của Nga.

Lý do thứ ba, xuất khẩu năng lượng vẫn đem lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế Nga, đồng thời Moscow đặt mục tiêu tăng mạnh sản xuất LNG để bù đắp khoản thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt qua đường ống bị sụt giảm.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi tháng 11/2023 cho biết, Moscow  dự định tăng thị phần LNG trên toàn cầu lên 20% (ít nhất 100 triệu tấn mỗi năm) vào năm 2030, từ mức 8% (khoảng 33 tấn) trong năm 2023.

Lý do cuối cùng khiến Washington quyết tâm cản trở lĩnh vực LNG của Nga phát triển trong dài hạn vì đây là ngành có mối liên hệ rất chặt chẽ với cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Từ lâu, ông Putin đã xem LNG - đặc biệt là từ nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ tại Bắc Cực - là chìa khóa cho thời kỳ tăng trưởng năng lượng quan trọng tiếp theo của Nga, để cạnh tranh với với dầu đá phiến và khí đốt của Mỹ.

Khu vực Bắc Cực của Nga có trữ lượng hơn 35.700 tỷ mét khối khí đốt, hơn 2.300 triệu tấn dầu và khí ngưng tụ.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, trong vài năm tới Nga sẽ đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực Bắc Cực, trước mắt là xây dựng Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) - với tư cách là tuyến vận tải chính cho các nhà nhập khẩu khí đốt quan trọng của Moscow, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc.