Triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP:

36,4 triệu người lao động, người dân được hỗ trợ 45,6 nghìn tỷ đồng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, người dân; 394 nghìn đơn vị sử dụng lao động và 508 nghìn hộ kinh doanh với tổng số tiền khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng.

Ngày 26/12, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, với Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh chủ trì.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh chủ trì Hội nghị.

Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu. Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát từ  ngày 27/4/2021 đã tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động, nhiều DN lớn.

Trước diễn biến của đại dịch Covid-19, với “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, cả nước đã có hơn 36,4 triệu người lao động, người dân được hỗ trợ 45,6 nghìn tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, cả nước đã có hơn 36,4 triệu người lao động, người dân được hỗ trợ 45,6 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.

Cụ thể, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động) với số tiền là 4.164 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đã giải quyết đối với 1.013 đơn vị sử dụng lao động, với trên 207.600 người lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.393,2 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, đã tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 người lao động với số tiền là 38,87 tỷ đồng.

Bộ LĐTB&XH lý giải, kết quả thực hiện trên khá thấp so với dự kiến ban đầu do các nguyên nhân chủ yếu: Điều kiện xét hưởng khá chặt; thời điểm thực hiện chính sách diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên các hoạt động đào tạo không thực hiện được; sau giãn cách xã hội các doanh nghiệp tập trung sử dụng lao động cho phục hồi sản xuất, kinh doanh nên không thể bố trí lao động để đào tạo lại.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có 2.037.065 người được hỗ trợ với số tiền là 6.631,233 tỷ đồng.

Đây là chính sách này được kế thừa theo Nghị quyết số 42/NQ-CP nhưng có sự mở rộng đối tượng, điều kiện hỗ trợ, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt nên kết quả đạt được độ bao phủ cao hơn.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, đã thực hiện hỗ trợ cho 1.129.755 người, với số tiền là 1.129,755 tỷ đồng.

Đối với, chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã hỗ trợ cho 4.984 người với số tiền là 19,9 tỷ đồng. Số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này không nhiều do phần lớn người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đã tham gia và đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nên khi chấm dứt hợp đồng lao động chuyển sang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật: Đã có 38.773 người mang thai và 682.255 người lao động nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi, với số tiền là 721,028 tỷ đồng; 468.035 trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế, với số tiền là 468,035 tỷ đồng; 68.582 người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là F0, F1 đã được hỗ trợ, với số tiền 68,842 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn, đã  4.034.737 người bị F0, F1 được hỗ trợ tiền ăn với số tiền là 3.454,547 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ và hướng dẫn viên du lịch, đã hỗ trợ cho 20.212 người với tổng số tiền là 74,864 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, một số diễn viên, nghệ sĩ có điều kiện kinh tế khá thuộc đối tượng được hưởng nhưng đã tự nguyện không nhận để dành nguồn kinh phí cho những người khó khăn hơn.

Đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đã hỗ trợ cho 508.127 hộ kinh doanh, với số tiền hỗ trợ 1.507,417 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, trên cả nước đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động,

Chính sách hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù,  các tỉnh, TP đã thực hiện hỗ trợ cho 15.664.935 người, với tổng số tiền là 21.231,786 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương.