Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN 2022-2023

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục cùng đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN…

Tăng cường khả năng thích ứng trong giáo dục

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại và Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị

Hàng năm, với ngân sách dành cho giáo dục chiếm 20% ngân sách quốc gia, Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng, nâng cao chất lượng giáo dục và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực; trong đó chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.

Bày tỏ sự vinh dự của Bộ GD&ĐT Việt Nam khi là Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023 trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD&ĐT Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.

Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023, đó là: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Những ưu tiên này phù hợp với 5 nội dung mà Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra để kêu gọi các nước cam kết cho giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại New York vào các ngày 17, 18 và 19/9/2022.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn cũng cam kết "Sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”.

Cùng xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn

Ngay từ khi đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã xây dựng chủ đề và 5 ưu tiên phù hợp với bối cảnh ngành giáo dục các nước đang ứng phó với những ảnh hưởng của Covid-19. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN

Dự kiến, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ GDĐT Việt Nam sẽ tập trung triển khai thúc đẩy, chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh vì đại dịch Covid-19; tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam thực hiện tại Hội nghị COP 26 và sẽ phối hợp với các nước đối tác tổ chức các chương trình trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên về phương thức giảng dạy về biến đổi khí hậu; Tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì thực hiện 3 dòng hành động trong Kế hoạch Hành động trong giáo dục trong ASEAN giai đoạn 2021-2025 và một dòng hành động trong Kế hoạch Hành động ASEAN + 3 về Giáo dục giai đoạn 2018-2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.

“Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam chủ trì cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hành động được thống nhất tại Hội nghị này phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

 

Nhiều hoạt động khác trong chuỗi Hội nghị đặc biệt

Sau Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Úc, New Zealand, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.

Bên lề các Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo Bộ GDĐT Việt Nam sẽ có các cuộc làm việc, gặp gỡ song phương với các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.

Trước đó, từ 11-12/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc chủ trì các Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN, gồm: Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12 và Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN-EAS lần thứ 7.