Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 tháng đầu năm 2024 tai nạn giao thông trên cả nước tăng 15,5%

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) toàn quốc vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy số người chết giảm nhưng số vụ TNGT và số người bị thương tăng so với cùng kì năm 2023.

Sáng 12/7, Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT quý II và nhiệm vụ trọng tâm quý III/2024. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh 2 điểm lưu ý. Thứ nhất GDP cả nước trên 6% là con số kỉ lục, xếp thứ hạng cao trên thế giới, kinh tế - xã hội phát triển cũng đồng thời gây áp lực lớn lên việc đảm bảo trật tự ATGT.

Thứ hai, Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ và Luật Đường bộ. Đây là hành lang pháp lý mới, do vậy các bộ, ngành và địa phương phải thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, đề ra giải pháp để 6 tháng còn lại làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự ATGT trên cả nước.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ TNGT, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ (+15,58%), giảm 634 người chết (-10,61%), tăng 2.426 người bị thương (+34%).

Có 40 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do TNGT.

Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% trở lên là: Thừa Thiên Huế, Bến Tre.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7 làm 2 người chết 11 người bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7 làm 2 người chết 11 người bị thương.

Về ùn tắc giao thông đã xảy ra 21 vụ, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 40 vụ (-65,6%). Đã đầu tư xử lý 11 điểm đen, 7 điểm tiềm ẩn và 62 điểm nguy cơ mất ATGT; đã kết nối duy trì tín hiệu đường bộ - đường sắt tại 38 điểm; xóa bỏ 66 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm; xoá 1 điểm đen và 77 điểm tiềm ẩn TNGT đường sắt.

6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT tiếp tục xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề với trên 2,1 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền 4.052 tỷ đồng, tước 407.703 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 715.459 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 450.688 trường hợp (+26,74%), tiền phạt tăng 800 tỷ đồng (+24,61%).

Trong đó, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (19,85%); 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (0,11%); 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (20,19%); 30.762 trường hợp chở hàng quá tải (1,22%)…

Cả nước có 275/295 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định; 6 tháng đầu năm 2024, đã kiểm định hơn 2,8 triệu lượt phương tiện; toàn quốc đăng ký mới đăng ký mới 200.093 xe ô tô, 1.150.259 xe mô tô, xe máy điện. Nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/6/2024 là hơn 6,5 triệu ô tô, hơn 75,7 triệu mô tô, xe máy điện.

Theo số liệu thống kê và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian tới, nhiều khả năng một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Cả nước cũng đã cấp được trên 350.000 GPLX theo hình thức trực tuyến, trung bình 1.300 hồ sơ/ngày.

 

Tổ chức đấu giá thành công 26.276 biển số, số tiền người trúng đấu giá đã nộp 2.324 tỷ đồng.

Ông Lê Kim Thành nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân do ý thức chấp hành trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ DN chưa cao.

Hành vi vi phạm các quy tắc giao thông còn diễn ra khá phổ biến; vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo. Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen và công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT.

Đối với các tỉnh, TP có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024, Uỷ ban ATGT quốc gia đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, từng lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Đồng thời, đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào cuộc giao ban hàng tháng của các cấp Ủy, HĐND, UBND các cấp để phân tích, kiểm điểm và đề xuất giải pháp hiệu quả trên địa bàn.