Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

60 năm ngày truyền thống khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội: Đạo thầy trò và những bài học làm người

PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp (giờ là Khoa Ngôn ngữ và Khoa Văn học trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), một người bạn hỏi tôi: “Đạo thầy trò hồi anh đi học và bây giờ có gì khác nhau không?”.

Câu hỏi lớn, lại chưa suy nghĩ gì nhiều nhưng tôi nghĩ rằng cũng như vạn vật khác sống trong những quan hệ trực tiếp và gián tiếp với nó, ở mỗi thời lại có những ràng buộc riêng và mỗi thời đều có những cái khác.
Đạo làm thầy và đạo làm trò
Đạo học, một khái niệm không thực sự chặt chẽ nhưng không phải không có nội dung, không phải không có những tiêu chí để người ta có thể định danh, xác định những yêu cầu để đặt cho sự vật một cái tên như chúng ta vẫn gọi. Tôi không có ý định đi cắt nghĩa khái niệm nhưng rõ ràng học phong, học khí, người dạy, người học, sự quan tâm của xã hội, chính sách sử dụng của mỗi quốc gia… là những gì tác động trực tiếp đến cái gọi là đạo học này. Đạo học dứt khoát phải gắn với đạo làm thầy và đạo làm trò rồi vì hai loại người ấy góp phần nhiều nhất tạo ra cái gọi là đạo học.
 Các cựu sinh viên chúc mừng thầy cô Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2015. Ảnh: Trần Thụ
Khi tôi vào học thì Khoa Ngữ Văn đã có 15 năm xây dựng và trưởng thành rồi. Sóng gió đã qua đi cũng làm cho quang cảnh trong khoa có chỗ này chỗ kia bị ảnh hưởng nhưng đồng thời cũng làm cho nhiều thứ trở nên vững chãi hơn. Thời gian sàng lọc dần những đúng sai, trái phải và điều chỉnh dần những lầm lẫn, ngộ nhận, khó ai tránh được trên đời. Lúc vào học, tôi đã nghe nhiều chuyện về các thầy cô ở khoa như những huyền thoại. Chuyện GS Hoàng Xuân Nhị tự học tiếng Nga trong vòng 6 tháng dùng được, chuyện GS Cao Xuân Hạo từ Việt Bắc về đã bán chiếc xe đạp của mình đi, lấy tiền mua tài liệu ngoại ngữ tự học tiếng Nga mà lúc tôi vào học thầy đã dịch A. Puskin, L. Tônxtôi, A. Tônxtôi từ nguyên bản. Khi xem phim không có thuyết minh, thầy vừa nghe diễn viên nói, vừa dịch cho chúng tôi nghe những bộ phim khó của Liên Xô dựng theo những tác phẩm của các nhà văn Nga mới thấy khả năng vô song của thầy. Thầy chưa đi Nga bao giờ, chỉ học tiếng Nga theo cách tự học từ những năm sau chiến tranh chống Pháp mà nghe nói như vậy, quả là một bậc kỳ tài. Một lần lên khoa, thấy thầy cầm một quyển sách tiếng Pháp dày cộp, bảo thày Phan Trác Cảnh “bắt đầu thôi” và thầy cứ thế dịch ra tiếng Việt, thầy Cảnh như múa trên bàn phím máy đánh chữ, tôi chỉ còn biết lẳng lặng đi ra, lòng ngẩn ngơ với câu hỏi: “Sao các thầy mình siêu đến thế? Chắc óc của các thầy khác thường”. Nhưng đâu biết rằng các thầy cũng khổ công lắm, vắt kiệt sức lực và mồ hôi đổi lấy tri thức để truyền thụ cho các lớp học trò. Sau này tôi còn biết thầy Phan Ngọc học và dịch được sách chuyên môn bằng tiếng Đức trong nửa năm, khi tuổi ngoài 60 rồi còn cắp sách đi học tiếng Campuchia, tiếng Indonesia vì những ngôn ngữ ấy cần cho công việc của thầy.
Gần như các thầy cô chúng tôi lúc đó mỗi người đều dùng được từ 2 - 3 ngoại ngữ trở lên, cái gì chưa biết thì học. Học không cần ai thúc ép, không cần vì một danh vị gì. Sau này tôi hiểu vì sao thầy Đinh Gia Khánh lại mở ra một hướng nghiên cứu mới trong văn học và văn hóa dân gian, thầy Nguyễn Tài Cẩn kiên trì lao động để xây dựng ngành Việt ngữ có tiền đồ như bây giờ. Hầu như thầy cô nào trong khoa cũng lao động miệt mài, vượt qua muôn vàn khó khăn để tìm cho mình một chỗ đứng trong khoa học với một sự thôi thúc, một áp lực tự gây ra cho mình, để tìm cách vượt lên, trưởng thành dần. GS Bùi Duy Tân có lần nói “làm việc đến mức ho lao cũng không sợ bằng khi đứng trên lớp giảng cho các anh chị mà chả có gì để nói”. Nghe thầy nói, tôi lại nhớ lời GS Đinh Gia Khánh “mắng” cán bộ trẻ: “Cán bộ trẻ có quyền dạy chưa hay nhưng không có quyền dốt”.
Bài học về đạo làm người
Bây giờ, nhìn lại mình thấy thật hổ thẹn: Ra trường, được cử đi học chỗ này chỗ kia, được tạo điều kiện đủ điều, làm việc vài chục năm mới viết nổi một giáo trình, trong khi thế hệ các thầy, chủ yếu là tự học mà khi mới trên dưới ba mươi, bốn mươi đã in hết công trình này đến công trình khác. Chả thế mà trong vòng mươi lăm năm, hầu như các bộ giáo trình ở tất cả các ngành học, các bộ môn đã được biên soạn, có cái cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, có ý nghĩa mở đường và nhiều người lớp hậu bối thành danh được là do đi tiếp và làm sâu sắc thêm những tư tưởng của các thầy mà thôi. Khi mới ở lại làm trợ giảng ở khoa, tôi coi câu nói của GS Chủ nhiệm Hoàng Xuân Nhị như một định hướng tuyệt vời: “Học gì cũng được. Cái đó tùy các anh. Nhưng các anh phải phấn đấu trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình”. Cho đến tận bây giờ, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi: Không biết bằng cách nào các thầy cô đã vượt qua được những khó khăn của cơm áo, của những va đập không đáng có của thời cuộc để vượt lên, kết tinh những tư tưởng khoa học trong các bài giảng, trong các công trình của mình, tạo dựng cho mình một vị thế như vậy? Dường như các thầy cô đã làm việc như chạy đua với thời gian, vượt lên phía trước không phải chỉ cho mình mà cho công việc, cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho nước nhà. Tâm thế ấy lúc đó là đạo đức của các nhà giáo nói chung, trong đó có các thầy cô của chúng tôi. Tiếc rằng tinh thần đó ngày nay ít nhiều đã bị nhạt nhòa.
Nhiều chuyện về các thầy các cô lắm. Trong nhận thức của tôi, các thầy cô thời ấy dạy dỗ chúng tôi mang tính thần khai sáng, dạy dỗ chúng tôi cả tri thức lẫn những bài học về đạo làm người. Không đao to búa lớn, không ép buộc phải thế này, thế khác mà các thầy cô chỉ như những người truyền đạo, say mê, nhiệt tình, trách nhiệm, như con tằm nhả tơ, tận tâm với nghề, tận lực với đời, làm tròn trách nhiệm cao quý của người thầy “hối nhân bất quyện”. Bởi thế mà mỗi khi có dịp được gặp lại các thầy cô của mình, trong mỗi người chúng tôi lúc nào cũng tràn đầy niềm vui, lòng biết ơn với những người đã không chỉ dạy dỗ chúng tôi tri thức mà còn là những người đi trước, như cha mẹ, luôn ân cần bên chúng tôi, vui với những trưởng thành và đồng cảm, chia sẻ, khuyên nhủ trước va vấp của một người nào đó. Có lẽ cái may mắn của nghề dạy học hơn những nghề khác là để làm nghề cần có tri thức và kỹ năng nhưng cả hai thứ đó lại luôn song hành với tinh thần nhân văn, khao khát vươn lên hướng tới chân thiện mĩ nên quan hệ thầy trò lúc nào cũng ấm áp, thân tình.
Một GS Sử học nói với tôi rằng: “Giữa nhà trường với xã hội ranh giới chỉ là một bức tường. Một bức tường mỏng manh nhưng nó giữ cho không gian nhà trường bình an, trong lành. Chúng ta may mắn khi sống và làm việc trong bức tường ấy. Làm sao để giữ được cái trong trẻo và cao quý của nghề, thật không dễ dàng vì nhà trường không thể như một ốc đảo giữa xã hội đang biến động”. Biết thế nhưng vẫn mong cái không gian thánh thiện ấy vẫn đứng vững, vẫn là nơi bình an trước những chao đảo của đời.
Nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Nhuận Cầm:
“Hành trang vào thơ, vào chiến trường”
Chuẩn bị về trường đón 60 năm kỷ niệm, cả tuần nay tôi cứ bồn chồn, lẩn thẩn đi tìm xem mình mặc comple cho trang trọng hay bộ quân phục để nhớ thời sinh viên áo lính? Nhưng tôi sẽ mặc áo trắng về trường, màu áo mà chúng tôi đã gửi lại nhà trường trước khi lên đường, và nay, tôi mặc lại màu áo đó của thời sinh viên yêu mến. Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên khi vào Khoa ngữ văn Tổng hợp là gặp một thư viện sao mà to thế, nhiều sách thế. Chúng tôi khuân về đọc, đi đọc, đứng đọc, nằm đọc, vừa đọc lại vừa xem đứa ở giường bên cạnh đọc gì, có nhanh hơn mình không! Chúng tôi được hưởng một phương pháp rất hay mà các thầy cô gợi mở, đó là ai thích học gì thì thoải mái đọc và tìm tòi, văn học châu Âu hay Mỹ La tinh hay Trung Quốc… Điều đó đã đánh thức sáng tạo và góp kiến thức cho chúng tôi để sau một năm học, viên đạn mình mang theo vào chiến trường cũng nặng hơn.
Cũng chính ở đó, chúng tôi đã học một môn mà khoa không dạy. Đó là thơ! Cứ mỗi lớp lại có một nhóm thơ... và đã có những nhà thơ như Trúc Thông, Bế Kiến Quốc, Lâm Huy Nhuận, Lê Anh Xuân… vươn lên với gương mặt của mình. Phải sống dưới mái trường ấy, trong không khí ấy, chúng tôi mới sống và viết hào sảng như vậy.

Nhà báo Trần Nhật Minh – Phó Giám đốc VOV2 – Đài Tiếng nói Việt Nam:
Cầu nối các thế hệ là động lực giữ truyền thống
Năm nào cũng vậy, thường vào dịp 20/11 là nhiều cựu sinh viên lại tụ về mái ấm Văn khoa. Dịp đặc biệt kỷ niệm 60 năm Khoa Ngữ văn này lại càng nhân lên tình cảm của các thế hệ. Đặc biệt với tôi, một người làm báo nói tại một đơn vị có nhiều hoạt động gắn liền với lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong nhiều năm qua, đã chứng kiến những đóng góp hiệu quả của nhiều cựu sinh viên của khoa như những phóng viên, cộng tác viên tích cực cho các chương trình của VOV2. 
Bản thân tôi cũng như nhiều anh chị em các thế hệ khác, luôn coi mình như con cái của khoa với những tình cảm ấm áp nhất với các thầy, các anh chị lứa trên, với các em khóa dưới. Tôi mong cầu nối các thế hệ, cầu nối thầy trò sẽ là động lực giữ vững truyền thống 60 năm qua của khoa. Đồng thời, tôi cũng truyền tải nguyện vọng chung của nhiều cựu sinh viên khác, đó là việc phục hồi và giữ gìn cái tên “Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội”. Nhắc đến cái tên đó như có một sự âm vang trong lòng nhiều lớp người đã đến với khoa, với mái trường này để từ đó bay vào cuộc đời.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng –  Phó trưởng Ban báo Thời Nay – Báo Nhân Dân:
Dòng chảy nuôi dưỡng tâm hồn
Thế hệ chúng tôi ở cuối những năm 90, đầu những năm 2000, khi trường sở đã khang trang, điều kiện vật chất khá đủ đầy, không có dịp trải nghiệm những ngày tháng vất vả như nhiều lứa sinh viên trước, cũng như không qua tôi rèn trong khói lửa thời chiến. Và những biến động lớn của đời sống, thời cuộc cũng lắng lại để chuyển dần sang thời kỳ mới.
Nhưng chính với truyền thống ấy, với những câu chuyện được kể từ các thế hệ đi trước, với những tình cảm gắn bó lâu dài giữa Khoa Văn học và nhiều lớp cựu sinh viên, tôi thấy mình được nuôi dưỡng về tâm hồn để cùng tiếp nối mạch chảy văn chương, để có ý thức sống nhân văn và đam mê sáng tạo. Văn học đang ở trong cuộc cọ xát sôi nổi và quyết liệt với đời sống nhiều biến đổi hôm nay, trong đó có việc học văn, dạy văn và sáng tác văn chương. Công việc đó và những “con người văn chương”, ít nhiều đều chịu những thách thức và chông gai. Nhưng như thế, sứ mệnh nói, viết và lan tỏa những vẻ đẹp lại càng quý giá. Theo thời gian, tôi càng yêu quý, kính trọng các thế hệ thầy cô, các lứa anh chị em sinh viên Văn khoa, đã bước đến, đã chọn lựa và không ngừng dấn thân trên con đường cao quý này.