Theo đó, tính đến hết 8 tháng đầu năm 2022, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đạt được một số kết quả ấn tượng. Tổng số người dùng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt 2.186.004 khách hàng, tăng 11,6% so với thời điểm tính đến hết tháng 7/2022.
Đáng chú ý, trong đó, số lượng người dùng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 1.502.449 khách hàng, chiếm 69%. Tuy nhiên, tốc độ phát triển người dùng mới đang có xu hướng giảm dần qua các tháng do hiệu ứng từ các chương trình truyền thông, khuyến mại tại thời điểm ra mắt dịch vụ và dịp Tết Nguyên Đán có dấu hiệu chững lại so với giai đoạn đầu triển khai.
Nổi bật trong số các đơn vị triển khai Mobile Money là MobiFone. Nhà mạng này đã chính thức đưa vào hoạt động hệ sinh thái tài chính số của riêng. Tới hiện tại, dịch vụ ví điện tử MobiFone Pay và tiền điện tử Mobile Money đã có gần 500 nghìn người dùng đăng ký sử dụng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng người dùng của Mobile Money đến từ sự phát triển của kết nối Internet. Tính đến hết tháng 9/2022, tổng số thuê bao băng rộng cố định đạt 20,73 triệu thuê bao (21,04 TB/100 dân) tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng ổn định 0,5-1%/tháng, ước đến cuối năm 2022 đạt 21,7 triệu thuê bao, tương đương 22TB/100 dân. Thuê bao băng rộng di động đạt 81,8 triệu (83 TB/100 dân) tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khả năng năm 2022 sẽ đạt xấp xỉ mục tiêu là 75% tỷ lệ hộ gia đình trên toàn quốc sử dụng cáp quang. Để đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp viễn thông đang đẩy mạnh quá trình phổ cập cáp quang tới hộ gia đình theo phương án chia địa bàn doanh nghiệp triển khai.