Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

8 nhiệm vụ với ngành VHTT&DL trong năm 2024

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ VHTT&DL. Thủ tướng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với ngành VHTT&DL trong năm 2024.

Hoàn thành 90% nhiệm vụ Chính phủ giao

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong năm 2023 đầy khó khăn, thách thức, ngành VHTT&DL đã vượt qua thách thức, chiến thắng khó khăn, đạt được những thành quả rất đáng trân trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Trần Huấn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Trần Huấn

Theo đó, Bộ, ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai nhiệm vụ. Bộ đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023; chủ động, tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Bộ tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển VHTTDL, như hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, 2 hội nghị toàn quốc về du lịch, hội nghị về phát triển thể thao thành tích cao.

Tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023); kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023)… mang lại ý nghĩa rất tích cực, lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản. Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Đà Lạt và Hội An trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO…

Bộ chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN du lịch phục hồi và phát triển. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, các vùng tiếp tục được tăng cường. Du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá khi khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022); khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38%.

Hợp tác công tư lĩnh vực VHTT&DL còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; Tiềm năng lớn, nhưng thể chế, cơ chế, chính sách cho VHTT&DL còn hạn hẹp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc chưa hoàn thiện (như thiếu các chính sách cho các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh); chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Công tác phối hợp trong ngành và giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong liên kết phát huy, khai thác các di sản. Việc huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư cho lĩnh vực VHTT&DL còn hạn chế, do đó phải tháo gỡ khó khăn dần từng bước (ví dụ như trong khai thác sân vận động Mỹ Đình, hay khai thác các công viên…).

Chưa phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Đời sống vật chất và tinh thần của một số nghệ sĩ, vận động viên... còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp hơn.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ. Lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao…

Thủ tướng lưu ý đặc điểm lớn của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải mạnh dạn hơn, tầm nhìn xa hơn nữa để phát triển; công tác tham mưu phải chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt hơn nữa; giải quyết dứt điểm các công việc, vấn đề tồn đọng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa hợp tác công tư, đẩy mạnh truyền thông chính sách.

8 nhiệm vụ năm 2024

Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ xác định, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản…

Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao…

Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ; chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp đối với những người làm việc trong ngành VHTTDL.

Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người "từ trái tim tới trái tim".

Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan T.Ư, giữa các địa phương, giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các lĩnh vực VHTT&DL.