Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ nỗ lực để hoàn thành trọng trách cung cấp tín dụng và dịch vụ cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn, để theo kịp xu thế phát triển ngân hàng hiện đại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) còn hướng đến mục tiêu mới , trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Doanh thu dịch vụ vượt kế hoạch
Với Agribank, giai đoạn 2017 và 2018 là năm bản lề trong việc triển khai Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ (SPDV) giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu đến năm 2020, doanh thu từ sản phẩm dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng 20%/tổng thu toàn ngành.
 Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Agribank. Ảnh: Nguyên Anh
Với mục tiêu đó, toàn hệ thống Agribank đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển dịch vụ đề ra. Kết quả, trong năm 2017, hoạt động dịch vụ được triển khai tích cực, thu dịch vụ đạt 4.443 tỷ đồng, tăng 22% (801 tỷ đồng) so với năm 2016, hoàn thành 101,7% kế hoạch do Hội đồng Thành viên giao, góp phần tăng tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu của toàn ngành. Trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, nhóm SPDV của Agribank tiếp tục đà tăng trưởng, đưa doanh thu dịch vụ toàn hệ thống tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, vượt kế hoạch đề ra.

Các kênh phân phối SPDV của Agribank đa dạng gồm: Kênh phân phối SPDV truyền thống (2.233 chi nhánh, phòng giao dịch gồm: 158 chi nhánh loại 1, loại 2; 784 chi nhánh loại 3 và 1.290 phòng giao dịch; 7 công ty trực thuộc; 3 Văn phòng đại diện và 1 Chi nhánh nước ngoài; điểm giao dịch lưu động); kênh phân phối qua ATM và EDC/POS (2.626 ATM và 19.015 EDC/POS); kênh phân phối qua Mobile Banking; kênh phân phối qua Internet Banking; kênh phân phối qua kết nối thanh toán với khách hàng (CMS); kênh phân phối với các ngân hàng đại lý (Agribank hiện duy trì quan hệ đại lý với 825 ngân hàng tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ); đáp ứng nhu cầu giao dịch điện tử tăng nhanh, trợ giúp khách hàng giao dịch 24/24 giờ, giảm nhiều thủ tục để khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian đi lại, thủ tục giấy tờ hành chính.

Đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại

Đến nay, Agribank có trên 200 SPDV tiện ích, trong đó có 46 sản phẩm cấp tín dụng, 40 sản phẩm huy động vốn, 16 sản phẩm thanh toán trong nước, 31 sản phẩm thanh toán quốc tế, E-Banking… Trong số đó, nhiều SPDV đã trở thành thế mạnh, đặc trưng riêng có của Agribank như: Nhóm huy động vốn, thanh toán biên mậu, thanh toán trong nước và quốc tế, nộp thuế điện tử, kiều hối, thẻ… Phát triển các hệ thống ATM, POS, Internet banking, Mobile Banking, Contact Center, Core Banking… Agribank hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để mở rộng phạm vi, đối tượng phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ với nhiều tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế như VietnamAirline, VNPT, Bảo Việt, VinGroup… Đến nay, Agribank luôn giữ vững vị trí Top 3 ngân hàng dẫn đầu trên thị trường thẻ. Nhiều năm liền Agribank đạt “Thương hiệu mạnh Việt Nam”…

Lãnh đạo Agribank cho biết, thời gian tới, Agribank nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để có thể phát triển và cung cấp các SPDV tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại như QR Pay, Samsung Pay, Autobank… kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển các SPDV mới trên nền tảng công nghệ hiện đại theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường công tác quảng cáo SPDV; tiếp tục khai thác cơ sở các khách hàng sẵn có của Agribank kết hợp với tìm các “khe hở” trong thị trường để phát triển các SPDV của Agribank… Mặt khác, chú trọng đào tạo cán bộ tập trung; ưu tiên một cách thích đáng cho công tác quảng cáo sản phẩm đến khách hàng phù hợp với mức thu sản phẩm dịch vụ. "Công tác phát triển sản phẩm dịch vụ đang trở thành mục tiêu chủ đạo để thực hiện mục tiêu đưa Agribank trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu" - Đại diện lãnh đạo Agribank chia sẻ.