Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai Cập: Người dân hoan hỉ sau khi Mubarak từ chức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổng thống Hosni Mubarak, người đã nắm quyền điều hành đất nước 30 năm qua, đã từ chức và trao quyền quản lý đất nước cho quân đội.

KTĐT - Tổng thống Hosni Mubarak, người đã nắm quyền điều hành đất nước 30 năm qua, đã từ chức và trao quyền quản lý đất nước cho quân đội.

Một chương mới trong lịch sử Ai Cập đã mở ra kể từ ngày 11/2, ngày biểu tình thứ 18 chống chính phủ tại quốc gia có hơn 80 triệu dân số này, đông dân nhất khu vực Trung Đông và có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực này.

Tổng thống Hosni Mubarak, người đã nắm quyền điều hành đất nước 30 năm qua, đã từ chức và trao quyền quản lý đất nước cho quân đội.

Tuyên bố này được đưa ra khi mà hàng triệu người đã tập hợp lại để biểu tình chống chính phủ trên khắp Ai Cập. Sau thông báo trên, hàng trăm nghìn người đang biểu tình tại quảng trường Tahir, trung tâm thủ đô Cairo, đã bày tỏ niềm vui. Người đang biểu tình tại đây vui mừng ôm nhau và hô lớn: “Nhân dân đã đánh đổ chế độ này,” “Chúa thật vĩ đại.”

Pháo hoa cũng đã được bắn lên trên bầu trời thủ đô ngay sau đó. Tiếng còi ôtô inh ỏi. Dòng người đổ về đây như thể đang đón chào một lễ hội. Mọi người có vẻ như quên đi đang có một lệnh giới nghiêm được áp đặt tại thủ đô và một số thành phố lớn. Sự phấn khích hiển rõ trên khuôn mặt của nhiều người tham gia biểu tình.

Ngay sau khi Tổng thống Mubarak từ chức, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố: "Tiếng nói của nhân dân Ai Cập, nhất là thanh niên. Và họ là những người sẽ quyết định tương lai của đất nước này. Tôi tôn trọng người đã đưa ra một quyết định đầy khó khăn vì lợi ích của nhân dân Ai Cập. Vào thời điểm lịch sử này, tôi nhắc lại lời kêu gọi thực hiện chuyển tiếp minh bạch, có trật tự và hòa bình."

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton tuyên bố hoan nghênh quyết định từ chức của Tổng thống Mubarak, người đã lắng nghe tiếng nói của nhân dân Ai Cập, đồng thời mở đường cho việc thực hiện cải cách nhanh chóng hơn và sâu rộng hơn.

Bà Ashton nhấn mạnh, điều quan trọng là đối thoại phải được thúc đẩy, để đưa đến một chính phủ tiêu biểu tôn trọng nguyện vọng của nhân dân. Bà Ashton khẳng định tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản là điểm chủ yếu. Tương lai của Ai Cập phải thuộc về nhân dân Ai Cập.

Hãng tin chính thức MENA dẫn lời Tổng thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa đã hoan nghênh sự thay đổi lịch sử của Ai Cập và đã kêu gọi sự đoàn kết quốc gia. Ông Amr Moussa cũng đã hoan nghênh thanh niên Ai Cập và các lực lượng vũ trang vì vai trò của họ trong việc thực hiện sự thay đổi lịch sử tại đất nước này.

Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei tuyên bố: "Ai Cập giờ đây là một quốc gia tự do và tự hào. Cuộc sống đang bắt đầu trở lại với chúng ta. Thông điệp của tôi gửi tới nhân dân Ai Cập là các bạn đã giành được tự do."

Tổ chức "Anh em Hồi giáo", phòng trào đối lập chính tại Ai Cập, đã hoan nghênh quân đội giữ cam kết của mình và cuộc chiến của người dân Ai Cập.

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Mohamed Hussein Tantawi, người đứng đầu Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, hội đồng đã nắm quyền điều hành đất nước Ai Cập sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, cũng đã hoan nghênh người biểu tình ngay trước phủ Tổng thống.

Loubna Darwiche, 24 tuổi, một người biểu tình đã nói: "Tôi yêu quân đội, nhưng chính nhân dân đã làm nên cuộc cách mạng này. Và nhân dân cần phải bảo vệ thành quả này."

Anh Ihab Omar thì nói: "Chúng tôi sẽ làm một lễ hội trong đêm nay. Hai tuần thật dài và khó khăn nhưng chúng tôi đã làm được. Tôi sẽ quay trở về nhà tôi để được gặp vợ con và bắt đầu một cuộc sống mới."

Chérif el-Husseini, một luật sư, nói: "Không thể tin được. Mọi sự bất công đã chấm dứt. Chúng tôi đã làm được một điều gì đó chưa từng có kể từ 7.000 năm qua. Tương lai của Ai Cập giờ đây nằm trong tay nhân dân. Tôi là người Ai Cập và tự hào là người Ai Cập."

Một kỷ nguyên mới đã được mở ra đối với Ai Cập. Tương lai của đất nước này ra sao, tốt hơn hay xấu đi, chưa ai có thể khẳng định được. Nhưng những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước này trước mắt sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp và tham nhũng tăng cao, sự bất bình đẳng trong phát triển xã hội. Hơn 40% dân số nước này sống ở mức nghèo khổ, chỉ với 2 USD/ngày./