Gia tăng căng thẳng
Vừa qua, Hungary quyết định đóng tất cả các cửa khẩu tại biên giới nước này với Serbia, đồng nghĩa với việc cắt đứt tuyến đường được coi là phổ biến nhất đến Tây Âu của những người di cư từ Trung Đông. Trước đó, vào đầu tuần này, giới chức Đức, quốc gia được coi là “thiên đường” mà người tị nạn đang nhắm đến bởi các chính sách mở cửa đối với vấn đề này cũng tuyên bố sẽ kiểm soát chặt tại biên giới. Việc nước này không tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa biên giới như một “gáo nước lạnh” dội thẳng vào dòng người di cư đang ôm mộng tìm kiếm một cuộc sống khác tại đây. Nhiều nhà quan sát đánh giá động thái này của Đức nhằm mục đích gây ra áp lực lớn buộc các quốc gia trong khối EU phải hành động. Tuy nhiên, có vẻ hành động này đã không thực hiện được mong muốn của giới chức Đức.
Động thái đóng cửa biên giới từ các nước EU, đặc biệt là tại Hungary đã làm gia tăng căng thẳng đến mức đỉnh điểm. Hàng chục ngàn người tị nạn đạp hàng rào, ném gạch đá vào cảnh sát đòi vượt qua biên giới để vào Hungary. Chính phủ Hungary đã phải sử dụng vòi rồng, hơi cay để giải tán đám đông. Trước tình hình này, luồng người di cư đã chuyển hướng sang Croatia tìm kiếm một lộ trình khác thay thế để tiến vào châu Âu. Tuy nhiên, mới chỉ trong một ngày, quốc gia này ghi nhận hơn 10.000 người di cư tiến vào biên giới nước này, khiến cho chính quyền Croatia, ban đầu tuyên bố “sẵn sàng tiếp nhận” đã phải nhanh chóng đóng 7/8 cửa khẩu.
Hành động kiểm soát biên giới của một loạt nước châu Âu đặt những người tị nạn vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều người đã chờ đợi suốt nhiều giờ dưới cái nắng gay gắt để được rời khỏi biên giới. Số còn lại đang ở các địa điểm trung chuyển, trại tị nạn cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo khi “ước mơ Bắc Âu” vẫn chưa thành hiện thực.
Bài toán khó
Trước tình hình này, các nhà phân tích cho rằng, châu Âu phải có trách nhiệm hơn nữa, nhất là khi các quốc gia này đã cùng với Mỹ tham gia vào các cuộc cách mạng “mùa xuân Ả Rập” và lật đổ ông Gaddafi tại Lybia, góp phần gây ra tình trạng bất ổn tại các quốc gia Trung Đông, nguồn gốc của làn sóng di cư kỷ lục chỉ sau Thế chiến thứ II. Thực tế, khi ông Gaddafi còn tại vị, các nước châu Âu đã thỏa thuận với Libya về việc siết chặt kiểm soát di cư từ bờ biển quốc gia này. Nhưng tất cả các thỏa thuận này đều sụp đổ sau khi chính quyền Gaddafi sụp đổ.
Việc đưa quân tham chiến tại Iraq của cựu Tổng thống Mỹ Bush cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp tạo ra tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS), nỗi đe dọa những thường dân Trung Đông. Cho đến nay, cả châu Âu và Mỹ đều vẫn dè dặt trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ người di cư. Châu Âu vẫn tỏ ra e dè đối với việc tiếp nhận người di cư, còn Mỹ mới chỉ tiếp nhận 900 người tị nạn.
Chính phủ Đan Mạch ngày 17/9 cho biết nước này đã nhất trí tự nguyện tiếp nhận 1.000 người di cư trong số 120.000 người trong kế hoạch phân bổ cho các nước thành viên EU. Hồi tuần trước, Anh cũng tuyên bố có thể tiếp nhận 20.000 người trong 5 năm tới. Bộ trưởng Hội nhập Inger Stojberg của Đan Mạch cho biết chính phủ đã thông báo với Quốc hội về kế hoạch tiếp nhận 1.000 người tị nạn, để chia sẻ trách nhiệm với EU. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch vẫn chưa quyết định thời điểm bắt đầu tiếp nhận số người nói trên, đồng thời cho biết sẽ thảo luận vấn đề này tại Quốc hội vào tuần tới.
Trong một diễn biến có liên quan đến vấn đề chiến tranh, nhưng theo giới phân tích về vấn đề di cư, thì việc Tổng thống Syria Bashar al- Assad đổ lỗi cho châu Âu trong cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay và cho rằng đó là hệ lụy trực tiếp của việc phương Tây ủng hộ những nhóm cực đoan tại Syria trong suốt 4 năm qua cũng cần đáng quan tâm. Ông al-Assad nhìn nhận: "Chúng ta đều khóc thương cho những nạn nhân vô tội, nhưng phải chăng một người tị nạn chết đuối trên biển "có giá" hơn một thường dân chết tại Syria".
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ: "Làm sao mọi người lại có thể lên tiếng rất mạnh mẽ về vụ một em bé Syria bị chết đuối trên biển nhưng lại im lặng trước việc hàng nghìn trẻ em, người già, phụ nữ và đàn ông Syria bị khủng bố sát hại. Thứ tiêu chuẩn kép ấy của châu Âu là không thể chấp nhận được. Nếu châu Âu quan tâm đến những người nhập cư, họ nên ngừng việc ủng hộ những kẻ khủng bố".
Như vậy, hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng di cư vẫn còn là bài toán nan giải khi cả cộng đồng quốc tế không chung tay vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Hàng ngàn người di cư vạ vật tại biên giới Serbia.
|