Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Âm nhạc] Những bài hát hay nhất ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày tháng 5 lịch sử, trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân Việt Nam đều hướng tới ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

 Đã 130 năm Người đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, tỏa sáng trong hành trình phát triển của Nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ.
Và mỗi lần những khúc ca viết riêng về Bác Hồ được cất lên, mọi người dân Việt Nam lại rưng rưng xúc động, lại bồi hồi nhớ đến vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới với tấm lòng trân trọng và vô cùng thành kính. Mỗi bài hát là mộc góc nhìn riêng về Bác Hồ ở những khía cạnh khác nhau, song tất cả đều toát lên đậm nét hình ảnh một con người vĩ đại, mang dáng hình dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam. Những bài hát về Bác đến với công chúng một cách chân thành, gần gũi nhất.
Trong số vô vàn những sáng tác của các nhạc sĩ, ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” sáng tác năm 1960 là một trong những ca khúc nổi bật về tấm lòng của những người con miền Nam với Bác: “Trên cánh đồng miền Nam/Đau thương mây phủ chân trời/Khi ca lên Hồ Chí Minh/Nghe lòng phơi phới niềm vui/Trên xóm làng miền Nam/Hình Người như Tiến quân ca/Giục lòng vươn cánh bay xa/Vùng lên giải phóng quê nhà...”.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết ca khúc này vào thời điểm nhân dân miền Nam đang phải sống trong cảnh đất nước chia cắt nhưng vẫn luôn nhớ về Bác, với niềm tin vững chắc đến ngày thống nhất… 
Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng là một trong những nhạc sĩ có những nhạc phẩm để đời về Bác Hồ. Trong đó, tiêu biểu hơn cả là ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” năm 1989 và bài “Thăm bến Nhà Rồng” năm 1990. Hai ca khúc đã trở thành những sáng tác bất hủ trong lòng công chúng, bởi mỗi bài hát là sự khắc họa một cách chân thực, gần gũi về hình ảnh của Bác Hồ và cũng là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, giúp người nghe hiểu thêm một phần về cuộc đời của Bác gắn với lịch sử cách mạng dân tộc.
Trong số hàng trăm ca khúc viết về Bác, rất nhiều nhạc sĩ đã chọn dòng nhạc mang âm hưởng những làn điệu dân ca. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với bài “Trông cây lại nhớ đến Người”. Câu hát “A ơ, chứ trồng cây tôi lại nhớ Người/chứ rừng bao nhiêu cây mọc/thì tôi ơn Người bấy nhiêu…” khiến người nghe liên tưởng đến một bài dân ca Nghệ An.
Nhạc sĩ An Thuyên cũng đem âm hưởng dân ca Nghệ An vào bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, để hình dung về thời niên thiếu của Bác Hồ: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi/suốt chiều dài câu đò đưa/Tuổi ấu thơ Bác đã sống/suốt chiều rộng câu dân ca...”. Có lẽ, các nhạc sĩ khi sáng tác những ca khúc ấy, đều bắt nguồn từ tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với quê hương Nghệ An, nơi Người đã sống những năm tháng của tuổi ấu thơ, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của Người.