Ẩm thực Hà Thành: Chìa khóa mở cửa trái tim du khách

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các món ăn của Hà Nội liên tiếp được các website uy tín về du lịch của nước ngoài ghi tên và xếp hạng.

Đây được coi là “chìa khóa” mở cửa trái tim du khách, nhưng dường như “kho báu” ấy chưa được người làm du lịch Thủ đô tận dụng.

Đánh thức “kho báu

Thời gian gần đây, các món ăn Việt liên tiếp được… bình chọn và xếp hạng.  Điển hình là 3 món đặc sản gồm phở, bún chả và bún thang được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng xác nhận Giá trị ẩm thực châu Á; phở lọt top 50 món ăn ngon thế giới do CNN bình chọn. Gần đây nhất, trang Telegraph xếp hạng 16 TP có ẩm thực ngon và phong phú nhất thế giới, trong đó Hà Nội xếp vị trí số 1. Ngoài ra, một món ăn rất bình dị và phổ biến như “bánh mì” cũng đã được tờ Huffington Post vinh danh như một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Tối 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Omaba đã dành thời gian hiếm hoi trong chuyến thăm Việt Nam để thưởng thức bún chả trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội.
Tối 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Omaba đã dành thời gian hiếm hoi trong chuyến thăm Việt Nam để thưởng thức bún chả trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội.
Mới đây, “ông chủ Nhà Trắng - Barack Obama” sang thăm Việt Nam và có những trải nghiệm bình dị tại Hà Nội là minh chứng sắc nét cho sự độc đáo, hấp dẫn của ẩm thực đường phố Hà Thành. Sự kiện bước đầu giúp những người trong nghề nhận thức đúng đắn về tiềm năng phát triển du lịch từ ẩm thực. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC, cho biết: “Sau sự kiện Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam, ITC đã có ý tưởng thiết kế chương trình trải nghiệm nơi ông Obama đã đi qua; hay đầu tư khai thác sản phẩm du lịch “Ẩm thực Việt thăng hoa trong cảm xúc bạn”, bước đầu nhận được sự quan tâm của du khách”. Song bà Nghệ cũng nhận định: “Lâu nay, ẩm thực của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng được coi là “kho báu” của ngành du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, tài nguyên này chưa được đầu tư, khai thác xứng tầm. Đã đến lúc, những người làm du lịch Thủ đô phải đánh thức “kho báu” ấy”.

Khai thác giá trị cỗ Hà Nội
Tiếp tục miễn visa cho 5 nước Tây Âu

Sáng 1/7, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức họp báo về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2016. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 56/NQ-CP về việc gia hạn việc miễn thị thực có thời hạn một năm đến hết ngày 30/6/2017 với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày đối với công dân các nước: Vương quốc Anh, CH Pháp, CHLB Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, CH Italia. Được biết, tổng lượng khách của 5 nước Tây Âu đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 62.029 lượt so với cùng kỳ năm 2015 - thời điểm chưa áp dụng chính sách miễn thị thực.

Đồng tình với ý kiến của bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Tổng giám đốc HanoiRedtour Nguyễn Công Hoan cho rằng, Hà Nội có hơn một ngàn năm văn hiến, là Thủ đô của các triều đại phong kiến. Nơi đây quy tụ tất cả những món ngon của Việt Nam, bởi nguyên liệu, cách trang trí, con người làm ra món ăn… đều tốt nhất, giỏi nhất. Ngay cả đặc sản của các địa phương, khi mang về Hà Nội cũng được cung đình hóa nhờ các nghệ nhân tài hoa. Đấy là chưa nói, cách thưởng thức ẩm thực cũng tao nhã nhất. Nhưng tiếc là ẩm thực Hà Thành lại chưa phát huy xứng tầm để phục vụ du lịch.

Nói về sản phẩm du lịch ẩm thực, ông Hoan cho rằng, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được số đông. Do đó, nên nâng tầm sản phẩm này để có thể nâng mức chi tiêu của các “thượng đế”. Chẳng hạn, trong mỗi tour, có thể mời khách ăn cỗ Hà Nội. Trong đó, cũng có thể chia ra nhiều loại cỗ như cỗ cưới hay cỗ Tết, cỗ của người bình dân và cỗ của những người giàu chẳng hạn. Qua đó, khách có thể hiểu được văn hóa người Hà Nội, sẽ cảm thấy thích thú khi biết đang được thưởng thức một “mâm cao cỗ đầy” mà người Hà Thành chỉ được thưởng thức một hoặc vài lần trong năm (Tết Nguyên đán, hay những sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời như đám cưới). “Ăn còn là để thưởng thức văn hóa, do đó, muốn sản phẩm du lịch ẩm thực được du khách yêu thích, chúng ta cần lên hành trình, có kế hoạch chi tiết về thời gian, địa điểm, chế độ dinh dưỡng các món ăn trong suốt hành trình tour của khách” - ông Hoan khẳng định. Ông Hoan “bày cách”, trong một ngày, sáng có thể mời khách ăn bún chả, sau đó thưởng thức trà sen; buổi trưa ăn cỗ Hà Nội; chiều ăn chè sen Phố cổ; tối ăn chả cá; đêm ăn ốc. Tất cả phải được tính toán kỹ lưỡng, nếu không, khách sẽ cảm thấy thiếu, hoặc bị nhồi nhét khiến các món ăn không còn giá trị đúng nghĩa.

Hiện nay, Hà Nội đang thiếu một không gian ẩm thực Hà Thành nói riêng, không gian ẩm thực Việt Nam nói chung. Đó không chỉ là nơi các “thượng đế” có thể thưởng thức ẩm thực mà còn có thể tìm hiểu văn hóa ẩm thực bản địa. Chẳng hạn, khi mời khách thưởng thức cốm Mễ Trì, trước mặt du khách, có thể đặt một màn hình led chiếu đồng lúa, cảnh gặt lúa, rồi quy trình làm ra hạt cốm. Khi biết được công đoạn, xuất xứ, đặc trưng của món ăn, chắc chắn, du khách sẽ nhớ. Và khi họ đã nhớ, họ sẽ mua làm quà, giới thiệu, quảng bá cho người thân, bạn bè, cộng đồng đất nước họ.

Phải nói rằng, Hà Nội có rất nhiều đặc sản, món ngon, hoàn toàn có thể làm quà phục vụ du lịch bằng cách trang trí, đóng hộp sao cho bắt mắt và kể cho khách nghe câu chuyện chân thực về chúng. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama buồn rầu vì không được thưởng thức cốm làng Vòng do không phải mùa là một minh chứng cho thấy, công nghệ có thể “sao chép”, nhưng đã là sản phẩm mang tính chất địa lý, thổ nhưỡng thì không nơi nào có thể “nhái” được. Khi khách hiểu được giá trị đó, tin rằng, họ sẵn sàng mua với giá cao. Và cốm, ô mai, mứt sen… hoàn toàn có thể trở thành quà Hà Nội hấp dẫn.