Ngày 4/9, TAND tỉnh An Giang tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án “Giao cấu với trẻ em” đối với bị cáo Bùi Văn Sơn (SN 1967, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang). Tại tòa, bị hại H.T.T. Linh (SN 1996, ngụ huyện An Phú) vẫn khai bị cáo Sơn có giao cấu với mình 8 lần, lần đầu xảy ra buổi trưa ở nhà bị cáo Sơn (khoảng năm 2011), lúc đó trong nhà chỉ có 2 người. Tuy nhiên bị cáo Sơn vẫn khẳng định không giao cấu mà chỉ mua vé số của bị hại, nếu kết tội bị cáo phạm tội giao cấu thì phải có chứng cứ cụ thể chứ không thể từ lời khai một phía.
Muốn được thăm nom, phải khuyên chồng… nhận tộiTại tòa, đại diện Viện KSND tỉnh An Giang dựa vào bản án sơ thẩm số 17 ngày 4/4/2018 của TAND huyện An Phú (xử lần 2 - tuyên bị cáo Sơn 3 năm tù), để bác kháng cáo kêu oan và đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo.Khi được hỏi, bà Trịnh Thị Bích Thủy (vợ bị cáo Sơn) khẳng định, năm 2011 tại nhà bà lúc nào cũng có cả trăm người làm từ sáng đến tối vì nhà bà là cơ sở mua bán phân bón lớn tại địa phương nên lời khai của bị hại là sai. HĐXX cũng hỏi bà Thủy vì sao phải đưa gia đình bị hại 300 triệu đồng nếu bị cáo Sơn không có tội? Bà Thủy bức xúc nói: “Việc đưa 300 triệu đồng cho gia đình Linh vào năm 2015, sau khi chồng tôi bị bắt giam 4 tháng, chứ không phải năm 2012 khi gia đình Linh tố cáo. Lúc đó chồng tôi bị bắt giam nhưng gia đình không được phép thăm gặp. Trong khi khách hàng nợ gia đình tôi gần 20 tỷ đồng, vì vậy bỏ 300 triệu đồng để chồng được ra để nhằm đòi nợ khách hàng nên tôi đồng ý đưa tiền cho cha mẹ Linh, với lý do làm từ thiện chứ không bồi thường. Sau đó ông Đức ở công an huyện An Phú nói khi gặp chồng thì tôi phải khuyên nhận tội mới cho thăm nuôi. Quá bức xúc nên tôi làm đơn tố cáo ông Đức”.Tại tòa, Luật sư Đào Kim Lân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cùng 5 luật sư khác chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong bản án sơ thẩm số 17. Luật sư Lân đưa ra nhiều câu hỏi nhưng bị hại không trả lời hoặc nói không nhớ. Vì vậy Luật sư Lân công bố các lời khai (BL) của bị hại để chỉ ra các mâu thuẫn. Đó là các BL của nhân chứng là quản lý nhà trọ khai ông Sơn đến nghỉ trưa, trong khi Linh nói giao cấu khoảng 18 - 19h tối. Bị hại khai các dấu vết trên thân thể bị cáo Sơn là những chấm tròn, lúc thì màu nâu đỏ, lúc lại nâu đen.
Những ai “tác động” vào lời khai bất nhất của bị hại?“Ngoài ra, trong các BL của Linh và mẹ Linh luôn khẳng định Linh chỉ giao cấu duy nhất với bị cáo Sơn. Nhưng sau khi giám định ADN lần thứ 3 vẫn cho kết quả đứa bé Linh sinh ra không phải con ông Sơn. Lúc đó Linh mới gọi cho Nguyễn Văn Bạo (SN 1990, ngụ huyện An Phú, đã bị xử 1 năm tù vì liên quan vụ án này) để thông báo Bạo chính là cha của bé. Tại BL mới nhất năm 2016, Linh khai khi nghe Linh thông báo, Bạo đe dọa sẽ giết Linh nếu kể cho ai khác. Vậy lời khai của Linh lúc 15 - 16 tuổi có chính xác hay có sự tác động của ai đó vì Linh mới 15 - 16 tuổi làm sao biết làm đơn gửi các cơ quan Nhà nước ở Trung ương? Cụ thể lá đơn 66 người ký tên, Linh khai không biết lá đơn đó”, Luật sư Đào Kim Lân nói.HĐXX cũng hỏi nhân chứng Huỳnh Văn Khu có hay không việc bà Bùi Thị Xứng (chị của bị cáo Sơn) gọi điện nhờ ông Khu làm “cầu nối” để “thỏa thuận bồi thường” cho gia đình Linh? Ông Khu khai bà Xứng có gọi điện nhờ, ông có viết tờ giấy “thỏa thuận bồi thường”. Ông Khu hẹn bà Xứng đến nhà ông Nguyễn Văn Bảng (công an huyện An Phú, bà con với Linh) nhưng bà Xứng không đến. Sau đó ông Khu đem tờ “thỏa thuận” cho ông Huỳnh Văn Dol (chồng bà Xứng) đọc thì ông Dol không chấp nhận nên ông Khu không làm “cầu nối”.Ông Huỳnh Văn Dol, đại tá quân đội về hưu, khẳng định trước tòa: “Tôi là sỹ quan quân đội nên tôn trọng luật pháp. Khi ông Khu đưa đọc giấy “thỏa thuận”. Tôi nói nếu thằng Sơn có tội thì pháp luật trừng trị. Trong khi ông Nguyễn Văn Bảng là trung tá công an, là người biết pháp luật mà hướng dẫn viết nội dung “thỏa thuận” là vi phạm pháp luật nên tôi không chấp nhận. Sau đó đi giám định ADN đến 3 lần đều cho kết quả đứa bé do Linh sinh ra không phải con của Sơn. Vụ án này có nhiều bất thường”.
Không đưa ý kiến của luật sư vào bản án!Theo Luật sư Đào Kim Lân, tại tòa sơ thẩm lần 2 ngày 4/4/2018, ông trình bày nhiều ý kiến. Nhưng trong bản án sơ thẩm số 17, không ghi ý kiến của luật sư vào bản án! Buộc tội chỉ dựa lời khai 1 phía, nhưng không cho triệu tập 12 “nhân chứng” là vi phạm tố tụng. "Đại diện Viện KSND nhìn nhận vụ án rất sơ xài, “Tại trang 13 của bản án sơ thẩm số 17, HĐXX thống nhất ý kiến các luật sư là: Hiện trường không đúng với lời khai bị hại. Thế nhưng HĐXX chỉ dùng lời khai nào khớp, còn lời khai nào mâu thuẫn thì bỏ ra! Liệu các cơ quan chức năng ở huyện An Phú có vi phạm pháp luật khi nhận tin báo tội phạm nhưng lại hướng dẫn “thỏa thuận bồi thường”? Đề nghị đại diện Viện KSND trả lời”, Luật sư Lân yêu cầu.