Quy hoạch để phát triển
Sáng 19/1, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 3.536,7 km2, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Tây Bắc tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, phía Đông và Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, phía Đông Nam tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, phía Nam và Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.
Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển áp dụng các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển bảo đảm phát huy vị thế chiến lược của tỉnh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, kết nối chặt chẽ, hiệu quả với Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương vùng Đông Nam Bộ và hợp tác với nước bạn Campuchia.
Phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông, khu kinh tế cửa khẩu, các khu cụm công nghiệp, du lịch; hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia;
Bên cạnh đó, An Giang mục tiêu phát triển 3 nhóm: Kinh tế, Xã hội và Môi trường, với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu về kinh tế có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 157 triệu đồng/năm; kinh tế số đạt trên 20% GRDP. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN;
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy An Gang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: Địa phương luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội, cùng hợp tác phát triển; ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn như: Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; Công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; Phát triển đô thị, nhà ở thương mai; Kết cấu hạ tầng giao thông; Thương mại – dịch vụ logistics - du lịch; Nông nghiệp công nghệ cao...