Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đỗ Doãn Lợi -Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam xung quanh vấn đề này.
GS có thể cho biết tình hình bệnh tăng huyết áp ở Việt Nam hiện nay?- Ước tính hiện nay, cả nước có tới 12 triệu người bị tăng huyết áp, nghĩa là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc.Nguyên nhân do đâu khiến quá nhiều người mắc bệnh như vậy, thưa GS?- Nguyên nhân quan trọng là do ăn uống, dinh dưỡng không hợp lý, lối sống chưa lành mạnh, hút thuốc, uống rượu bia nhiều, lại lười vận động thể lực. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người bệnh đang khỏe mạnh bình thường nhưng chỉ sau một cơn tăng huyết áp đột ngột dẫn đến tai biến mạch máu não, hậu quả là bị tử vong. Có trường hợp cứu chữa được thì bị tàn phế, nằm liệt giường, thậm chí phải chăm sóc suốt đời.Về độ tuổi mắc tăng huyết áp, hiện nay có thay đổi so với trước đây không?- Độ tuổi mắc các bệnh tăng huyết áp, tim mạch thường ở 50 - 90 tuổi, nhưng hiện nay có rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi sung sức 30 - 35 cũng mắc bệnh. Không ít trong số đó bị tử vong do nhồi máu cơ tim. Đây là vấn đề chúng ta cần phải cảnh báo giới trẻ để họ có một lối sống lành mạnh hơn, phòng được các bệnh tim mạch, huyết áp và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Theo điều tra của Hội Tim mạch Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 là 25,4% và năm 2016 lên đến mức báo động - 48%. Đáng lo ngại, trong những người bị tăng huyết áp, có 39,1% không được phát hiện; có 7,2% bị tăng huyết áp không được điều trị, và 69% người bệnh chưa kiểm soát được huyết áp.GS đã nhiều lần cảnh báo về việc người Việt có thói quen ăn mặn, vậy ăn mặn nguy hại thế nào đối với bệnh huyết áp, tim mạch?- Thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính đang đẩy người Việt “dính” nhiều nguy cơ bệnh tật, tử vong sớm. Thành phần chính của muối và mì chính là natri - đây là thành phần làm tăng thể tích tuần hoàn máu. Người ăn mặn sẽ uống nhiều nước, nước đi vào máu khiến lượng nước đổ về các mạch máu gia tăng, làm tăng áp lực cho mạch máu. Khi đó, tim cũng phải làm việc (co bóp đẩy máu) nhiều hơn. Đây là những nguyên nhân làm tăng huyết áp và suy tim. Khi tăng huyết áp, lượng máu xối lên thành mạch nhiều hơn, cộng với các rối loạn mỡ máu khiến cho động mạch bị xơ vữa, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc hoặc vỡ mạch máu não… Nếu như ở Canada, nhờ việc vận động người dân giảm lượng muối ăn từ 3,3g/ngày xuống còn 2,7g/ngày, quốc gia này đã giảm được 1 triệu người dân bị tăng huyết áp. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm 1 triệu người dân có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cứu sống hàng triệu người khỏi tử vong, tàn tật, giảm được gánh nặng rất lớn chi phí y tế…Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo mọi người dân nên hạn chế thói quen ăn nhiều muối, dùng nước mắm, nước chấm mặn, hạn chế ăn các món muối như dưa, cà, mắm tôm, mắm tép, hạn chế sử dụng mì chính, bột ngọt để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.Ngoài hạn chế ăn mặn, người dân cần làm gì để phòng bệnh tăng huyết áp, thưa GS?- Để phòng ngừa tăng huyết áp, tim mạch, mọi người cần hạn chế uống rượu bia, giảm cân với người béo phì, nên vận động thể lực mỗi ngày như đi bộ 30 - 45 phút. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có). Đối với bệnh tăng huyết áp, để hạn chế tác hại của nó, mọi người nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày. Hãy nhớ con số huyết áp như nhớ tuổi của mình. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối khẩu phần ăn hàng ngày, giảm bớt thực phẩm có axit béo, mỡ động vật…Xin cảm ơn GS!