Angela Merkel nắm vận mệnh bầu cử của Tổng thống Obama?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đang đến gần, giới chuyên gia Mỹ đang cho rằng, nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất tới nỗ lực tái đắc cử của ông lại là Thủ tướng Đức Angela Merkel, bởi, yếu tố then chốt có thể mang lại chiến thắng cho ông Obama hiện nay là kinh tế.

Khủng hoảng châu Âu ngăn bước Obama
 

Trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện nay là cuộc khủng hoảng của châu Âu. Và tiếng nói lớn nhất, quyết định con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó là của nữ Thủ tướng Đức bà Angela Merkel. Tờ Nhật báo phố Wall bình luận, hãy quên đi những bộ não đã đứng sau nỗ lực tái ứng cử của ông Obama như David Plouffe và David Axelrod, hãy tập trung vào Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và cuộc đối thoại của ông với nhà lãnh đạo Đức.

Có một tin vui đối với các quan chức Mỹ đó là cuối cùng nền kinh tế cũng có dấu hiệu khỏe mạnh bền vững khi tạo thêm việc làm tháng thứ 13 liên tiếp, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 8,6%.

Một số nhà kinh tế cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2011 tương đối tốt, khoảng 3,5%. Tuy nhiên, vấn đề là người ta nghi ngờ tốc độ tăng trưởng kinh tế như trên sẽ tiếp tục được duy trì trong năm mới, do đó họ cũng hoài nghi việc thất nghiệp sẽ giảm xuống mức dưới 8% vào tháng 11/2012. Lý do của sự nghi ngờ trên một phần là việc thị trường nhà tiếp tục giảm, nhưng phần lớn khác chính là cuộc khủng hoảng của châu Âu sẽ hạn chế các hoạt động kinh tế toàn cầu, cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ trong mùa bầu cử. Do đó, đối với ông Obama, điều quan trọng là giảm thiểu quy mô của sức cản toàn cầu đó.

Yếu tố để Đức… mở két

Đức là nền kinh tế thống trị và "khỏe" nhất châu Âu, do đó ở vị trí tốt nhất để hỗ trợ các nước láng giềng đối phó với khó khăn trong việc trả các khoản nợ công lớn. Rào cản để thực hiện điều này hiện nay là vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề kinh tế.

Nhà kinh tế thuộc Viện Kinh tế DIW Ferdinand Fichtner nêu bật tầm quan trọng của Eurozone là một thị trường rộng lớn đối với hàng hóa Đức. Theo ông, "khoảng 40% xuất khẩu của Đức có điểm đến là Eurozone với 17 nước thành viên, 20% là những nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (EU)".

Với những lợi thế như vậy của nền kinh tế Đức, các quan chức Mỹ nghĩ có 3 bước đi cần thiết để đưa châu Âu ra khỏi khó khăn hiện nay: xây dựng một "bức tường lửa" lớn hơn, bao gồm một quỹ giải cứu có hàng nghìn tỷ USD để sử dụng giúp đỡ các nước khó khăn trong việc thanh toán nợ; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hành động mạnh mẽ hơn trong việc giúp đỡ các nước thành viên khó khăn; thiết lập liên đoàn tài chính để cho phép các nước châu Âu có quyền hạn chế thâm hụt ngân sách của các nước khác trong liên minh.

Đức và sức mạnh kinh tế của Đức là những yếu tố then chốt đối với 2 bước đi đầu tiên là thiết lập một quỹ giải cứu thực sự và ECB hành động mạnh mẽ hơn vì ngân hàng này không thể hành động vượt quá mức Đức cho phép. Liên minh tài chính này là phương tiện để trao cho Đức lá chắn chính trị cần thiết để nước này mở két của mình.