Áp giá sàn vé máy bay là không cần thiết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc áp giá sàn đối với vé máy bay là không nên, bởi nếu làm như vậy là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không tạo động lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4 (ngày 6/4), khi tham gia góp ý về Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa. Ảnh mình họa.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa. Ảnh mình họa.

Tán thành ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc áp giá trần, giá sàn với vé máy bay nội địa là rất hay và hợp lý.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, việc áp giá sàn sẽ tránh trình trạng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi hàng không giá rẻ. Với các hãng bay chuyên nghiệp, giá vé 0 đồng hay 200.000 – 500.000 đồng không đủ chi phí nhiên liệu, chưa tính tới tiền lương cho người lao động hoặc chi phí khấu hao. Nếu không có quy định về cả giá trần và giá sàn thì sẽ có tình trạng “mạnh ai nấy làm”, khó thuyết phục các nhà đầu tư muốn rót vốn vào các hãng hàng không.

Trước ý kiến này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay là không cần thiết, không nên. Nếu áp mức giá sàn là hành động can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, nếu không có cạnh tranh bình đẳng, sẽ tạo ra tình trạng nhiều doanh nghiệp độc quyền bắt tay với nhau làm nũng đoạn thị trường.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, các loại vé 0 đồng, vé khuyến mại giá rẻ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không phải phổ biến. Trong kinh doanh, bất kỳ hãng hàng không nào họ cũng đều có hạch toán bài toán kinh tế của riêng mình. Các vé 0 đồng, vé khuyến mại chủ yếu được áp dụng vào các chuyến bay ban đêm, đây là cách để họ kích cầu tiêu dùng.

Các chương trình khuyến mại đưa ra đều đã được tính toán, cân đối đảm bảo lợi ích của họ. “Đã làm kinh doanh thì không doanh nghiệp nào chịu làm không công và chấp nhận thua lỗ. Vì vậy, nên để các hãng hàng không được cạnh tranh bình đẳng, công bằng trong cơ chế thị trường” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Cũng không đồng tình với đề xuất áp giá sàn vé máy bay, PGS.TS Ngô Trí Long, việc áp giá sàn vé máy bay là đi ngược với xu hướng hàng không thế giới, đặc biệt là xu hướng phát triển của hàng không giá rẻ. Bên cạnh đó, việc áp giá sàn vé máy bay gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người.

Đưa ra quan điểm áp mức giá trần với vé máy bay, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là việc cần làm. Bởi Nhà nước cần một công cụ điều tiết, tránh tình trạng các hãng bay đưa ra giá vé quá cao, đặc biệt ở một số tuyến bay độc quyền.