Chuyên gia năng lượng quốc tế cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga của các nước phương Tây có thể phản tác dụng. Điều này có thể buộc Moscow giảm sản lượng, khiến giá dầu thế giới nhảy vọt lên 140 USD/thùng.
Phát biểu với đài CNBC hôm 18/7, ông Gal Luft - Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, nói rằng việc Mỹ và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) muốn áp mức giá trần với dầu Nga là "ý tưởng vô lý". "Người đưa ra ý tưởng này đã bỏ qua thực tế rằng dầu không phải loại hàng hóa không thể thay thế" - ông Luft giải thích.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn áp giá trần với dầu Nga nhằm giảm bớt nguồn tài chính của Nga cũng như để hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Chuyên gia Luft ví von rằng động thái của Mỹ và đồng minh giống việc đến một cửa hàng và yêu cầu người bán phải bán với giá thấp hơn mức niêm yết. "Thị trường dầu thể giới không hoạt động như vậy. Đó là một thị trường phức tạp, vì vậy phương Tây không thể ép giá đi xuống", ông Luft nói thêm.
Chuyên gia Luft dự đoán nếu phương Tây áp mức giá trần, Nga sẽ cắt giảm sản lượng và điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu của Nga ở ngưỡng 40-60 USD/thùng.
"Châu Âu và Mỹ đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu ở mức 40 USD/thùng. Nhưng tôi cho rằng những gì họ nhận được sẽ là 140 USD/thùng" - ông Luft cảnh báo.
Theo vị chuyên gia này, không ai có thể thay đổi quy luật cung cầu của thị trường, và trên thực tế, dầu là một mặt hàng có thể thay thế.
Giá “vàng đen” đã phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua khi nhu cầu tăng cao trong bối cảnh các nước trên thế giới mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, lo ngại gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine cũng thúc đẩy thị trường dầu.
Mỹ đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga vào cuối năm nay. Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu vẫn đang chật vật đáp ứng sản lượng mục tiêu. Những năm qua, đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đã giảm mạnh vì dịch Covid-19 và lo ngại về chính sách.
Ông Luft không phải nhà phân tích duy nhất hoài nghi về kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga. Giới phân tích cho rằng rất khó để thuyết phục các nước khác tham gia kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga. Thời gian qua, một số quốc gia, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, đã đẩy mạnh mua dầu Nga giá rẻ.
Trước đó, phát biểu trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định việc áp giá trần đối với dầu Nga là rất quan trọng để hạ nhiệt lạm phát.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nói rằng, vấn đề nằm ở phía nguồn cung nên việc đặt mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga không giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.